Thứ sáu, 17.06.2022 GMT+7

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Bảo vệ môi trường vì mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững đất nước là chủ trương đúng đắn của Đảng. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết nhằm tăng cường bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành nước văn minh, có môi trường sống an toàn, lành mạnh.

     Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014: Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật.

     Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.

     Quan điểm xuyên suốt của Đảng về bảo vệ môi trường xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ sống còn của nhân loại, là nhân tố đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người, góp phần giải quyết tốt các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư phát triển bền vững trong tương lai. Qua các kỳ đại hội của Đảng, quan điểm này luôn được quan tâm, bổ sung và phát triển, thể hiện lập trường nhất quán của Đảng ta.

     Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đặt ra yêu cầu xây dựng cơ sở khoa học cho khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai; khẳng định phải gắn xây dựng chính sách về bảo vệ môi trường với chính sách xã hội. Đại hội X của Đảng, lần đầu tiên trong báo cáo về Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 đưa ra chỉ tiêu về môi trường, như: Tiêu chí về độ che phủ rừng, tỷ lệ dân cư được dùng nước sạch, chỉ tiêu về xử lý chất thải, giảm thải ô nhiễm môi trường, tăng cường bảo vệ cải thiện môi trường… Đại hội XI nhấn mạnh, “Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án đấu tư”[1]. Để chủ trương trở thành hiện thực, Đảng ta đã cụ thể hóa các quan điểm chủ trương thành hệ thống các chỉ thị, nghị quyết đồng bộ nhằm tạo sư chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động từ trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân, như: Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.; Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW; Chỉ thị số 29-CT/TW yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục đề ra các quan điểm, mụ tiêu, biện pháp của Nghị quyết số 41-NQ/TW. Tiếp đến Đại hội XII, Đảng xác định: Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên, nhất là do các dự án kinh tế gây ra. Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất… hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các chế tài để mạnh để bảo vệ môi trường, ngăn chặn xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường…

     Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong phần Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 đã đề cập đến vấn đề môi trường, như “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…”[2]; “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”[3]; tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn, trong đó có quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”[4]; “phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”[5].

     Như vậy, quan điểm Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định nhận thức và hành động của chúng ta hiện nay đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững gồm những nội dung chính:

     Bảo vệ môi trường là mục tiêu, là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

     Không vì phát triển kinh tế mà hủy hoại môi trường, phá hoại hệ sinh thái tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi chú trọng phát triển kinh tế để tạo ra giá trị tăng trưởng cho nền kinh tế của đất nước, chúng ta phải kết hợp giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Chúng ta không đánh đổi bằng mọi giá để có được sự tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường.

     Đảng chủ trương xây dựng xây dựng nền kinh tế xanh. Nền kinh tế xanh là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tái sản xuất xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Phát triển kinh tế xanh là cần có sự kết hợp hài hòa ba yếu tố: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Ba yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững. Đảng ta đang hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tái sử dụng tái chế và sản xuất thu hồi năng lượng từ chất thải gắn với hình thành chuỗi sản xuất tiếp nối, liên tục. Đây là lần đầu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cho thấy quyết tâm phát triển một nền kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

     Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch, tư duy và tầm nhìn chiến lược gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường trong lành, vì sức khỏe của cộng đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước trong tương lai.

     Đảng nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong bảo vệ môi trường (từ hệ thống chính trị đến toàn xã hội, mọi công dân).Tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước trong quản lý tài nguyên và môi trường. Nhà nước phải quản lý khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất, nước, rừng, biển, khoáng sản… Xây dựng hệ thống cơ chế giám sát tài nguyên môi trường, tăng cường đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm, xâm hại môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học…

     Môi trường là lá phổi xanh của con người, bảo vê môi trường là bảo vệ chính bản thân con người. Do vậy, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng, rất cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân cả nước.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.221

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Sự thật, H.2021, t.1, tr.114

[3] Sđd, tr.116-117

[4] Sđd, tr.119

[5] Sđd, tr.120

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=bao-ve-moi-truong-vi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang-cong-san-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com