Thứ bảy, 11.06.2022 GMT+7

CẬP NHẬT NỘI DUNG MỘT SỐ VĂN BẢN MỚI VÀO HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH

Việc thường xuyên cập nhật nội dung văn bản, chính sách, quy định mới của Đảng và Nhà nước vào hoạt động chuyên môn, giảng dạy là yêu cầu, đòi hỏi đối với giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Thực hiện phương châm “Giảng dạy thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, gắn lý luận với thực tiễn”, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; giảng viên cần liên tục đổi mới phương pháp giảng dạy và cập nhật thông tin, nhất là những thông tin mới, kiến thức mới để vận dụng kịp thời vào hoạt động chuyên môn giảng dạy. Sau đây là một số văn bản mới, có hiệu lực từ tháng 6/2022, giảng viên cần nghiên cứu, cập nhật:

1. Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 25/4/2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ (có hiệu lực từ ngày 01/6/2022). Trong đó, có quy định mới: 

Doanh nghiệp khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng. Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề quy định phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện trên, vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó. 

Đối với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội hoặc hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn cần Nhà nước đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp thì vốn điều lệ có thể thấp hơn 100 tỷ đồng nhưng không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.

2. Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nhiệp nhỏ và vừa (Thông tư có hiệu lực từ ngày 25/6/2022). Theo đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các hoạt động sau:

- Học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài được hỗ trợ bao gồm: Học phí, tài liệu, ăn, ở, đi lại (bao gồm vé máy bay).

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử sẽ được hỗ trợ:

+ Đối với sàn thương mại điện tử trong nước: Phí thanh toán, phí cố định và phí dịch vụ người bán phải trả cho sàn thương mại điện tử.

+ Đối với sàn thương mại điện tử quốc tế: Phí tài khoản người bán, phí giới thiệu, phí hoàn thiện đơn hàng, phí lưu kho, chi phí đăng ký mã vạch sản phẩm, chi phí thiết kế và chụp ảnh sản phẩm, chi phí quảng cáo trên sàn thương mại điện tử.

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ phí, lệ phí tham gia cuộc thi; ăn, ở tại nước sở tại; đi lại (bao gồm vé máy bay); vận chuyển tài liệu, sản phẩm, trang thiết bị phục vụ tham gia cuộc thi.

3. Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (có hiệu lực từ ngày 24/6/2022 đến hết ngày 31/12/2025). Theo đó, chính sách mới về hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được quy định như sau: 

Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có): mức hỗ trợ tối đa là 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo quy định nêu trên được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị  định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có): mức hỗ trợ tối đa là 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

4. Thông tư số 01/2022/TT-VPCP ngày 02/5/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2022). Theo đó, quy định mới về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, như sau:

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; bộ máy tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về: Chương trình, kế hoạch công tác của Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; kiểm soát thủ tục hành chính; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của địa phương; tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức về hoạt động của Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là đầu mối Cổng Thông tin điện tử, kết nối hệ thống thông tin hành chính điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; quản lý Công báo và phục vụ các hoạt động chung của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền; quản lý công tác quản trị nội bộ của Văn phòng; tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ngoại vụ, dân tộc (đối với địa phương không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc).

5. Thông tư số 03/2022/TT-BYT ngày 26/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế (Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/6/2022). Theo đó, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế: Bỏ điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.

Việc bỏ chứng chỉ áp dụng cho viên chức là bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ làm việc trong các cơ sở y tế công lập; viên chức y tế công cộng làm việc trong các cơ sở y tế công lập; viên chức điều dưỡng, viên chức hộ sinh, viên chức kỹ thuật y làm việc trong các cơ sở y tế công lập; viên chức dược làm việc trong các cơ sở y tế công lập; viên chức dinh dưỡng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức dân số làm việc trong các đơn vị sự nghiệp dân số, y tế công lập.

Chỉ yêu cầu các viên chức chuyên ngành y tế có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số khi công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu.

6. Thông tư số 03/2022/TT-BNV ngày 12/3/2022 của Bộ trường Bộ Nội vụ quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương (Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/6/2022). Theo đó, 08 vị trí công tác thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương phải thực hiện định kỳ chuyển đổi (là các công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) bao gồm:

- Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

- Tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức; thi nâng ngạch công chức, viên chức; thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

- Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế.

- Thẩm định các đề án lập mới, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phi chính phủ, hội nghề nghiệp.

- Thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp.

- Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

- Phân bổ chi tiêu, ngân sách đào tạo.

- Quản lý, thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương là từ đủ 03 đến 05 năm (Quyết định số 05/2008/QĐ-BNV ngày 26/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc “ban hành danh mục các vị trí công tác của công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ngành tổ chức nhà nước phải thực hiện định kỳ chuyển đổi”: quy định thời gian phải chuyển đổi vị công tác của công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết các công việc tổ chức cán bộ ở địa phương là đủ 03 năm).

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=cap-nhat-noi-dung-mot-so-van-ban-moi-vao-hoat-dong-chuyen-mon-giang-day-tai-truong-chinh-tri-tinh
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com