Thứ sáu, 10.06.2022 GMT+7

PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG, KIÊN ĐỊNH CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CNXH, PHẤN ĐẤU SỚM ĐƯA TỈNH PHÚ THỌ TRỞ THÀNH TỈNH PHÁT TRIỂN HÀNG ĐẦU CỦA VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI PHÍA BẮC

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" là bài viết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về quan điểm của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với những nội dung căn bản và quan trọng nhất của cách mạng nước ta.

     Với trách nhiệm cao cả, bằng tâm huyết và tư duy lý luận sắc bén, người đứng đầu Ðảng ta đã có những phân tích, đánh giá, nhận định, làm sáng tỏ những vấn đề rộng lớn, cơ bản và sâu sắc. Nội dung bài viết có ý nghĩa rất quan trọng, có sức lay động, truyền cảm hứng cho mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc và kiên định con đường mà Ðảng ta, đất nước ta, dân tộc ta đang đi, mục đích chúng ta hướng đến, để làm tròn trách nhiệm của mình. Ðây cũng là lập luận đanh thép phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch chống phá cách mạng nước ta.

     Đồng thời, bài viết đã đưa ra cách nhìn nhận rõ ràng về mô hình kinh tế của Việt Nam; và khẳng định quan niệm về kinh tế thị trường định hướng XHCN một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới.

     Bài viết nhận định nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, yếu tố xã hội trong phát triển kinh tế được chúng ta kiên trì xây dựng đó chính là sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng XHCN và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Một nền kinh tế lấy con người là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực nguồn lực để phát triển.

     Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định trong mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có thể thấy, việc nhận thức ngày càng đúng đắn, sâu sắc về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã mang lại những hiệu quả công cuộc đổi mới đã thật sự đem lại những thay đổi to lớn, tốt đẹp cho đất nước. Nhất là, những thành tựu đổi mới đã chứng minh rằng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước được bạn bè quốc tế đánh giá cao và ghi nhận tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

     Ðối với tỉnh Phú Thọ, bài viết của Tổng Bí thư lại càng có ý nghĩa sâu sắc, nhất là trong bối cảnh Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đang nỗ lực phấn đấu học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Ðại hội toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Ðảng và tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Tỉnh Phú Thọ đã tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế, đưa nhanh các nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, phục hồi, vừa duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

     Trong những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng và Nhà nước, tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, bình quân 5 năm (2016 - 2020) đạt 7,86%. Riêng năm 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã đạt 6,28%, đứng thứ 21 cả nước và đứng thứ 05 so với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2021 theo giá hiện hành đạt 80.764 tỷ đồng, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 3/14 tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc. Năm 2021, tổng vốn đầu tư đạt 34.424,2 tỷ đồng tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 7500 tỷ đồng, cơ cấu các nhóm ngành chuyển dịch theo hướng tích cực; chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành mục tiêu đề ra trước 3 năm, đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 114/225 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

     Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, trong đó tỉnh xác định: “tập trung thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh; chú trọng phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”. Từ đó, Phú Thọ tạo mọi điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai; đầu tư hạ tầng điện, nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào các khu công nghiệp và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề phục vụ nhu cầu tuyển dụng cho các doanh nghiệp.

     Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ và lãnh đạo tỉnh trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Phú Thọ được cải thiện rõ rệt. Năm 2021, tỉnh Phú Thọ vươn lên xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố về thu hút vốn FDI. Phú Thọ đang dần hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp và là trung tâm kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; thành phố Việt Trì trở thành trung tâm lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

     Thời gian tới, phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển Phú Thọ trở thành một tỉnh tăng trưởng cao ở phía bắc của Tổ quốc, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đất Tổ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục học tập, nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xem đây là cẩm nang quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyết tâm xây dựng Phú Thọ phát triển nhanh và bền vững, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

     Tài liệu tham khảo:

     1. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (đăng ngày 16/05/2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

     2. Cục Thống kê Phú Thọ, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ năm 2021.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=phat-trien-nen-kinh-te-thi-truong-kien-dinh-con-duong-di-len-cnxh-phan-dau-som-dua-tinh-phu-tho-tro-thanh-tinh-phat-trien-hang-dau-cua-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com