Thứ hai, 06.06.2022 GMT+7

NGHIÊN CỨU, GIẢNG DẠY MÔN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Nghiên cứu và giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên về tính khoa học, tính cách mạng, tính sáng tạo trong tư tưởng của Người.

     Từ sau Đại hội VII (6/1991), công tác nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh đã được đẩy mạnh, theo một chương trình có hệ thống. Cùng với các giáo trình quốc gia về khoa học Mác - Lênin và Lịch sử Đảng, giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng được biên soạn và đưa vào giảng dạy ở các trường đại học và các trường chính trị tỉnh, thành phố. Riêng hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảng dạy theo giáo trình do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn.

     Để hoàn chỉnh chương trình, giáo trình, ngày 01/6/1996 Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình Trung học chính trị theo Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 05/9/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về việc thành lập các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 1997, Học viện đã ban hành bộ giáo trình gồm 12 môn (phần học), đưa vào giảng dạy ở các trường chính trị tỉnh, thành phố. Môn Tư tưởng Hồ Chí Minh gồm 03 bài: Tư tưởng Hồ Chí Minh - nguồn gốc và quá trình hình thành; Một số nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng sự nghiệp đổi mới của Việt Nam. 

     Do yêu cầu, nhiệm vụ của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X), Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị - hành chính) kèm theo Quyết định số 1845/QĐ-HVCT-HCQG ngày 29/7/2009, bộ giáo trình gồm 07 phần học được thực hiện thống nhất ở tất cả các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 01/9/2009. Môn Tư tưởng Hồ Chí Minh gồm 08 bài: Nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân; Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận; Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng; Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa; Học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở.

     Trong quá trình thực hiện, do yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành các quyết định về việc điều chỉnh chương trình: Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2014 về Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; Quyết định số 3136/QĐ-HVCTQG ngày 14/7/2016 về việc điều chỉnh Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính và Quyết định số 8008-QĐ/HVCTQG ngày 24/12/2018 về việc điều chỉnh Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Phần học Tư tưởng Hồ Chí Minh gồm 05 bài: Nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết; Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân; Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ.

     Xuất phát từ tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị cũng như việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG, ngày 21/01/2021. Khối kiến thức “Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh” gồm 06 bài: Nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân và đại đoàn kết dân tộc; Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân; Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

     Chương trình, giáo trình mới có nhiều sự thay đổi về kết cấu, nội dung, thời gian, song với yêu cầu ngày càng tăng về dung lượng kiến thức, điều đó cho thấy Đảng ta luôn coi trọng việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố; nhất là trong giai đoạn hiện nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đang là một vấn đề đáng lo ngại, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Do vậy, thực hiện Hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chương trình, giáo trình “Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về tư tưởng, đạo đức, phong cách và lối sống cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cả về lý luận và thực tiễn.  

     Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, các giảng viên đã luôn tích cực nghiên cứu, học tập, vận dụng, thực hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh trong giảng dạy và học tập, đạt được những kết quả quan trọng. Điển hình, trong các đợt tham gia thi giảng viên dạy giỏi cấp trường, tham dự hội thi giảng viên dạy lý luận chính trị giỏi toàn quốc, nhiều giảng viên đã đạt được thành tích cao, trở thành những giảng viên dạy giỏi cấp trường, cấp toàn quốc... được đồng nghiệp và học viên các lớp ghi nhận.

     Để đạt được những kết quả đó, đội ngũ giảng viên nhà trường luôn nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh trong công tác cũng như sinh hoạt hằng ngày. Thấm nhuần lời dạy của Người, các giảng viên đã chủ động học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, áp dụng những phương pháp giảng dạy tích cực nhằm nâng cao chất lượng các bài giảng trong chương trình.

     Bên cạnh đó, trong thực hiện giảng dạy chương trình, nhà trường còn một số khó khăn như: Đội ngũ giảng viên giảng dạy chuyên ngành về tư tưởng Hồ Chí Minh còn ít, đa số giảng viên giảng dạy khối kiến thức này được đào tạo từ các chuyên ngành khác nhau. Vì vậy, để khắc phục khó khăn, bất cập, xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đủ về số lượng và chuyên ngành, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:

     Một là, đối với nhà trường: Cần tiếp tục cử giảng viên đi đào tạo chuyên sâu về Hồ Chí Minh học; đồng thời, cử giảng viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

     Hai là, đối với giảng viên tham gia nghiên cứu, giảng dạy khối kiến thức “Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh”: Ngoài việc nghiên cứu chuyên sâu về chuyên ngành tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi giảng viên cần tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, trau dồi vốn tri thức rộng, đa ngành, có vốn văn hóa, kiến thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, như vậy mới truyền tải được nội dung bài giảng đến học viên một cách hiệu quả và sâu sắc nhất.

     Mặt khác, mỗi giảng viên cần đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết cho mỗi bài giảng, tiết giảng; có tình cảm, đạo đức cách mạng trong sáng thể hiện lòng thành kính, niềm tự hào đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, lối sống của Người ở việc tự tu dưỡng đạo đức, lý tưởng trong cuộc sống hằng ngày, ở tấm gương sáng về đạo đức, lối sống… Có như vậy, mỗi giảng viên mới truyền đạt được hết những kiến thức, những kinh nghiệm, những tình cảm chân thành của mình đến với học viên; mới thuyết phục được học viên bằng chân lý khoa học trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nghien-cuu-giang-day-mon-tu-tuong-ho-chi-minh-o-truong-chinh-tri-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com