Thứ năm, 02.06.2022 GMT+7

CHI BỘ PHÒNG QUẢN LÝ ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LÃNH ĐẠO NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ HẰNG NĂM

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó, sinh hoạt chuyên đề là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của nhà trường và của chi bộ. Trong những năm qua, mỗi cán bộ, đảng viên Chi bộ phòng QLĐT & NCKH luôn có ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần, thái độ trách nhiệm cao nhất.

     Mục đích của buổi sinh hoạt chuyên đề chính là phát huy tinh thần dân chủ trong chi bộ, khuyến khích đảng viên phát biểu ý kiến tạo bầu không khí cởi mở, công tâm, khách quan để mỗi đảng viên mạnh dạn nói lên những suy nghĩ của cá nhân mình. Thông qua sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy và đảng viên, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, tồn tại, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt chuyên đề của chi bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

     Chi bộ phòng QLĐT, NCKH có 16 đảng viên, trong đó, có đồng chí Bí thư Đảng ủy sinh hoạt tại chi bộ. 100% đảng viên trong chi bộ xác định: muốn Đảng bộ nhà trường mạnh thì chi bộ phải mạnh. “Bí quyết” giúp chi bộ vững mạnh đó là chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ và sinh hoạt chuyên đề gắn với nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Đồng thời, với việc phát huy ưu điểm, chi bộ lựa chọn vấn đề còn hạn chế, nổi cộm, quan trọng, để bàn bạc, thảo luận, tìm giải pháp tối ưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả trong các buổi sinh hoạt chi bộ.

     Nội dung các buổi sinh hoạt chuyên đề phù hợp với nhiệm vụ chính trị được giao như: "Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ; xây dựng phong cách, tác phong công tác quần chúng, dân chủ nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu…"; Ngoài các buổi tổ chức sinh hoạt chuyên đề từng quý theo quy định, trong các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng, chi bộ đã thực hiện lồng ghép nội dung sinh hoạt chuyên đề, kiểm điểm nội dung đăng ký thực hiện của từng cán bộ, đảng viên. Các nội dung của cán bộ, đảng viên đăng ký học tập tập trung vào phong cách dân chủ, quần chúng, phong cách làm việc khoa học, phong cách nêu gương, phong cách lãnh đạo, ý chí tự lực, tự cường… Quý 1/2022, Chi bộ đã sinh hoạt chuyên đề với nội dung “Chi bộ phòng QLĐT & NCKH nghiên cứu, triển khai thực hiện và đề xuất vận dụng có hiệu quả Bộ Quy chế Quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”. Trong các buổi sinh hoạt chuyên đề lãnh đạo chi bộ luôn triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn một cách khoa học, hiệu quả, phân công rõ người, rõ việc, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của từng đảng viên theo mảng công việc. Đảng viên được phân công phát biểu ý kiến tham luận tại các buổi sinh hoạt chuyên đề đều nghiên cứu kỹ các nội dung để vận dụng vào công việc của cá nhân và của chi bộ một cách hiệu quả nhất.

     Bên cạnh những kết quả đạt được các kỳ sinh hoạt chuyên đề của chi bộ vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Một số ý kiến tham luận viết còn chung chung, chưa thực sự gắn với công tác chuyên môn của cá nhân, ý kiến trao đổi, đề xuất, kiến nghị còn ít, tính hiệu quả chưa thực sự cao.

     Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng của các buổi sinh hoạt chuyên đề, chi bộ cần làm tốt một số nội dung:

     Thứ nhất, chi bộ thường xuyên quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên nhằm nâng cao nhận thức cho đảng viên về vị trí, vai trò, tác dụng của sinh hoạt chi bộ, nhất là sinh hoạt chuyên đề. Việc nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, tác dụng của sinh hoạt đảng, sinh hoạt chuyên đề là cơ sở quan trọng thúc đẩy hành động đúng đắn, là tiền đề giúp đảng viên phát huy tính tích cực, nêu cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia đầy đủ, đúng giờ, tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác thông tin tuyên truyền. Đây là nội dung giáo dục quan trọng hàng đầu về tư tưởng, chính trị đối với cán bộ, đảng viên, là cơ sở của sự thống nhất trong nhận thức và hành động.

     Thứ hai, trên cơ sở kế hoạch sinh hoạt chuyên đề hằng quý đã xây dựng, chi ủy chi bộ cần nắm chắc năng lực, sở trường của từng đảng viên để phân công, giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung sinh hoạt chuyên đề cho phù hợp theo từng quý. Các đảng viên khi được phân công chuẩn bị tham luận cần nghiên cứu kỹ các nội dung, chuẩn bị ý kiến phát biểu gắn với thực tế công tác chuyên môn của mình đang đảm nhận, các ý kiến cần có sự phân tích, có tính vận dụng linh hoạt.

     Dự thảo chuyên đề cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và tập trung chủ yếu vào lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của phòng; các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ. Gắn chặt hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và các phong trào thi đua của nhà trường. Đề cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

     Mỗi cán bộ, đảng viên cần biến quá trình giáo dục chính trị, tư tưởng của tổ chức Đảng thành quá trình tự giáo dục, tự bồi dưỡng, gắn với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương (khóa XIII).

     Thứ ba, đa dạng hóa hình thức sinh hoạt chuyên đề. Chi bộ cần lồng ghép việc kiểm điểm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị kết hợp với những câu chuyện kể về Bác, những việc làm cụ thể thiết thực, gần gũi về lối sống giản dị của Bác... để tăng sự sinh động, hấp dẫn cho nội dung sinh hoạt, thu hút được sự tập trung của đảng viên. Coi trọng việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề là giải pháp quan trọng để tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ, đảng viên; công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phát hiện, phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với việc thực hiện chính sách cán bộ; không ngừng nâng cao đời vật chất và tinh thần để cán bộ, đảng viên yên tâm công tác.

     Thứ tư, kịp thời biểu dương và thẳng thắn phê bìnhVới những mặt tích cực mà đảng viên làm được, chi bộ cần có các hình thức biểu dương, khen thưởng trước chi bộ. Đây là một cách nêu gương vừa thể hiện sự ghi nhận, động viên của chi bộ, vừa tạo động lực cho các đảng viên khác nỗ lực thi đua, sáng tạo, tâm huyết với những nhiệm vụ mà chi ủy giao cho. Việc kịp thời biểu dương, khen thưởng sẽ tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong công tác xây dựng chi bộ, đảng bộ nhà trường vững mạnh.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=chi-bo-phong-quan-ly-dao-tao-va-nghien-cuu-khoa-hoc-lanh-dao-nang-cao-chat-luong-sinh-hoat-chuyen-de-hang-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com