Thứ năm, 19.05.2022 GMT+7

DÂN CHỦ VÀ DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, GẮN VỚI PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM CHO RẰNG Ở VIỆT NAM KHÔNG CÓ DÂN CHỦ

Nền dân chủ mà Việt Nam đang hướng tới xây dựng là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đó là nền dân chủ của đa số nhân dân lao động, do nhân dân làm chủ, nền dân chủ của đa số thống trị thiểu số. Hiện nay, có một số luận điểm xuyên tạc nền dân chủ mà Việt Nam đang xây dựng. Chúng cho rằng, “Việt Nam thiếu dân chủ, không có dân chủ, vi phạm dân chủ, hạn chế quyền riêng tư, cá nhân của công dân… Khi nói đến vấn đề dân chủ, các lực lượng phản động thường gắn với vấn đề nhân quyền. Chúng cho rằng Việt Nam người dân không được hưởng nhân quyền theo đúng nghĩa, không được tự do ngôn luận, tự do tôn giáo. Các thế lực thù địch phản động, cơ hội chính trị tiếp tục lợi dụng việc các cơ quan chức năng điều tra xét xử tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về công tác phòng chống dịch Covid-19 để vu cáo, chỉ trích chính quyền, các cơ quan chức năng của Việt Nam lợi dụng đại dịch để “đàn áp nhân quyền”, “hạn chế quyền tự do dân chủ của người dân”, vu khống chúng ta lạm quyền để bắt giữ những người “bất đồng chính kiến”, đàn áp các “nhà đấu tranh dân chủ”. Các tổ chức NGO, chính khách phương Tây thiếu thiện chí với Việt Nam tiếp tục có đánh giá thiếu khách quan về vấn đề dân chủ, nhân quyền… kêu gọi vận động chính phủ, cơ quan ngoại giao các nước đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, gây sức ép đối với Việt Nam, đòi Việt Nam hủy bỏ hoặc sửa đổi một số điều khoản của Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng Hình sự, Luật xuất nhập cảnh; kêu gọi Mỹ, EU, Anh, Úc và một số nước đề cập những vấn đề trên tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, các đối thoại nhân quyền, dân chủ… Đích cuối cùng của vấn đề chống phá Việt Nam về dân chủ là chúng muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo nhất nguyên chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ bản chất giai cấp công nhân của Đảng, từ đó dẫn đến xóa bỏ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

     Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Xuất phát từ lý luận của chủ nghĩa Mác về dân chủ và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa Mác chỉ rõ: Trong giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, giai cấp công nhân và chính đảng của mình phải giành lấy quyền thống trị và giành lấy dân chủ, bắt tay vào tổ chức xây dựng xã hội mới mà vấn đề cốt lõi là thiết lập chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa nhằm thay thế cho nền dân chủ tư sản. Theo chủ nghĩa Mác: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nên dân chủ mà ở đó toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Bản chất của dân chủ xã hội được thể hiện trên tất cả các khía cạnh về chính trị, kinh tế, tư tưởng văn hóa. Trên từng lĩnh vực, chủ nghĩa Mác luận giải cụ thể những biểu hiện cũng như nhiệm vụ mà các Đảng Cộng sản cũng như giai cấp công nhân phải thực hiện được để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu quyền lực thuộc về dân. Đó là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Cán bộ là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Trải qua nhiều năm đấu tranh gian khổ, hy sinh, nhân dân ta mới giành được độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Với ý nghĩa như vậy, hơn bất cứ lúc nào, trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn đến đâu, Đảng và nhân dân ta cũng phải giữ vững nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

     Qua các kỳ Đại hội Đảng, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày càng được sáng tỏ, Đảng ta luôn khẳng định: dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân được thông qua hoạt động của Nhà nước do nhân dân bầu ra, của cả hệ thống chính trị, thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, kỷ luật, phải được thể chế hóa bằng pháp luật và bảo đảm bằng pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ nhân dân, bảo vệ quyền con người… trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

     Trong xã hội Việt Nam hiện nay, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được hoàn thiện, mở rộng theo hướng lắng nghe ý kiến nhân dân, dân chủ của nhân dân lao động, người dân được quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, nhưng trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Dân chủ có lãnh đạo, dân chủ có tập trung, chứ không phải dân chủ vô tổ chức. Các luận điệu xuyên tạc cố tình không hiểu bản chất của dân chủ, đó là dân chủ gắn với bản chất của giai cấp. Chừng nào còn tồn tại giai cấp chừng đó dân chủ gắn với pháp luật mà giai cấp cầm quyền đặt ra, không có dân chủ phi giai cấp.

     Về thực tiễn hiện nay, việc thực hành dân chủ ở nước ta đạt được kết quả ghi nhận:

     Kết quả thực hiện dân chủ trong Đảng: dân chủ trong Đảng là rất quan trọng vì Đảng ta là đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo nhân dân xây dựng thành công dân chủ xã hội chủ nghĩa. Do vậy, Đảng ta đã ban hành quy chế thực hành dân chủ trong Đảng, gồm: các nguyên tắc trong sinh hoạt đảng, thẩm quyền trách nhiệm xây dựng ban hành văn bản, nghị quyết…, dân chủ trong công tác cán bộ…, khuyến khích tự do tư tưởng trong sinh hoạt đảng, tôn trọng sự khác biệt trong ý kiến cá nhân trên tinh thần xây dựng…, khuyến khích sáng tạo, đề cao tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu, thực hiện trong ấm ngoài êm…

     Kết quả thực hiện trong các cơ quan nhà nước: thực hành dân chủ trong các cơ quan nhà nước gắn liền với quá trình xây dựng và hoàn thiện nền hành chính nhà nước, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, thật sự là công bộc của dân. Quốc hội làm tốt chức năng lập pháp, giám sát, bàn bạc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Chất vấn của đại biểu quốc hội đi vào cụ thể hơn, thực tiễn hơn, những thành viên của Chính phủ có trách nhiệm trả lời cũng đi thẳng vào vấn đề, không còn tình trạng trả lời vòng vo, né tránh. Chính phủ và các cơ quan của chính phủ ngày càng làm việc chuyên nghiệp, có hiệu lực hiệu quả hơn, xây dựng chính phủ điện tử hiện đại, chính phủ kiến tạo để phát huy dân chủ rộng rãi, hướng tới làm hài lòng người dân.   

     Để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn, tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp:

     Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục cho nhân dân nâng cao nhận thức về dân chủ và dân chủ xã hội chủ nghĩa, để nhân dân hiểu rõ về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà việt Nam đang hướng tới xây dựng, từ đó mỗi người dân tự mình thực hành dân chủ và phát huy dân chủ.

     Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật.

     Thứ ba, tiếp tục xây dựng Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực hiệu quả, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân.

     Thứ tư, phát huy vai trò gương mẫu của các đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Đảng tiếp tục làm tốt vai trò lãnh đạo tiên phong gương mẫu, thực hiện tốt nguyên tắc lãnh đạo và sinh hoạt đảng.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=dan-chu-va-dan-chu-xa-hoi-chu-nghia-gan-voi-phe-phan-quan-diem-cho-rang-o-viet-nam-khong-co-dan-chu
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com