Thứ tư, 18.05.2022 GMT+7

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ THAM DỰ LỚP BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC KINH ĐIỂN MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH NĂM 2022

Thực hiện chủ trương nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ giảng viên, góp phần chuẩn hóa các điều kiện về công tác cán bộ theo quy định hiện hành. Tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; chỉ rõ các vấn đề cần bổ sung, phát triển. Tiếp tục nghiên cứu có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ sự bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh và của Đảng ta theo đúng tinh thần Nghị quyết 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị.

          Từ ngày 16/5/2022 đến ngày 30/9/2022, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lớp Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (Lớp thứ sáu, năm 2022) dành cho 50 cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của hệ thống Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ có 04 giảng viên tham dự lớp học gồm các đồng chí: Hoàng Tiến Điệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường; Đoàn Thị Hồng Việt, Nguyễn Thị Lan, Tô Anh Tuấn.

 

Ảnh: PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện phát biểu Khai giảng lớp Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (Lớp thứ sáu, năm 2022)

          Phát biểu khai giảng, chỉ đạo lớp học PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện khẳng định: nghiên cứu tác phẩm kinh điển Mác - Lênin là nhiệm vụ vừa mang tính tự thân, vừa mang tính bắt buộc giúp người dạy và người học tiếp cận hệ thống các “lý luận gốc”, làm sáng rõ những nguyên lý, quan điểm mà các nhà kinh điển đã đề cập, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị nói riêng, công tác lý luận nói chung. PGS,TS Hoàng Phúc Lâm cho biết, để việc nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển một cách có hiệu quả đòi hỏi chúng ta phải tổng kết thực tiễn, đẩy mạnh nghiên cứ lý luận một cách có hệ thống, bài bản; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đặt ra những yêu cầu cho việc nâng cao hiệu quả nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với từng đối tượng.

          Trong thời gian 04 tháng học tập trung, học viên sẽ được nghiên cứu kiến thức gốc kinh điển trong 46 tác phẩm của Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh; 14 buổi thảo luận do các giáo sư, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi; 06 chuyên đề bổ trợ góp phần làm sáng tỏ hơn quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành 22 bút ký, 04 bài thu hoạch các tác phẩm, 01 bài tiểu luận tốt nghiệp và 01 đợt đi nghiên cứu thực tế.

          Để lớp học đạt những yêu cầu mục đích đề ra, lãnh đạo Học viện mong muốn các học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, dành thời gian tập trung nghiên cứu, tiếp thu kiến thức kinh điển do các giảng viên truyền đạt, tích cực trao đổi, thảo luận tiếp thu kinh nghiệm để vận dụng vào công việc giảng dạy và nghiên cứu; cũng như trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ảnh: Toàn cảnh Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng

            Hy vọng sau lớp bồi dưỡng, chất lượng công tác giảng dạy, nghiên cứu của hệ thống các trường chính trị tỉnh thuộc Học viện sẽ được nâng cao hơn, đội ngũ cán bộ, giảng viên sẽ vững vàng hơn về kiến thức lý luận và trình độ chuyên môn, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn cách mạng mới.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=truong-chinh-tri-tinh-phu-tho-tham-du-lop-boi-duong-kien-thuc-kinh-dien-mac-lenin-tu-tuong-ho-chi-minh-nam-2022
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com