Thứ sáu, 13.05.2022 GMT+7

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH, THÔNG TIN XẤU ĐỘC TRÊN INTERNET VÀ MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY

Sự phát triển của internet cùng các dịch vụ trên không gian mạng đã làm nên một cuộc “cách mạng” thay đổi về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa đến khoa học kỹ thuật, giáo dục và cả chính trị. Internet và mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, là công cụ thông tin hữu ích trong xã hội hiện nay.

     Internet và mạng xã hội là nơi có thể tìm kiếm, trao đổi thông tin nhanh nhạy nhất hiện nay, có thể giúp hỗ trợ các nhu cầu từ học tập, trao đổi, liên lạc, giải trí, tìm kiếm việc làm, kinh doanh, quảng bá hình ảnh… Tuy nhiên, các thế lực phản động lợi dụng internet, mạng xã hội để thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và thành quả cách mạng của đất nước ta. Bên cạnh đó, các thế lực phản động, thù địch còn tăng cường sử dụng sức ảnh hưởng của thông tin trên mạng xã hội đến tâm lý người sử dụng theo hướng dẫn dắt tâm lý người dùng theo mục đích xấu độc của chúng…

     Vì vậy, việc tăng cường công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội là một đòi hỏi tất yếu và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XIII, Đảng ta nhận định: Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Do đó, nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận trở thành mặt trận nóng bỏng hàng đầu của công tác tư tưởng. Trên mặt trận tư tưởng hiện nay phải kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị; khắc phục những nhận thức lệch lạc, nâng cao khả năng tự phòng, chống của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực thù địch.

     Trước hết cần nhận thức rõ thế nào là quan điểm sai trái, thù địch; cấp độ và những đặc điểm cơ bản của những quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.

     Quan điểm sai trái là sự nhìn nhận lệnh lạc, phiến diện, không đúng với sự thật; xa lạ, đi ngược, đi chệnh với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

     Quan điểm thù địch là các quan điểm sai trái được nâng lên thành lý luận, quan điểm để kích động chống Đảng, chống chế độ.

     Các cấp độ của quan điểm sai trái, thù địch:

     Cấp độ cao nhất, nguy hiểm nhất: Phủ định sạch trơn toàn bộ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, những thành tựu của đất nước trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quan điểm này phủ định sạch trơn toàn bộ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định những điều này trong Cương lĩnh của Đảng là ảo tưởng…

     Cấp độ trung bình: Phủ định một phần, chấp nhận một phần nào đó chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thường phủ định những nội dung cốt lõi nhất, hoặc xuyên tạc những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhất là những nội dung liên quan đến xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng xã hội mới tiến bộ hơn.

     Cấp độ thấp: Cơ bản tán đồng chủ trương, nghị quyết của Đảng nhưng khi diễn đạt trên diễn đàn lại phủ định, nhất là phủ định các thành tựu; lồng ghép ý kiến chủ quan của cá nhân vào, đặc biệt là các ý kiến phê phán, phản bác, gây phân tâm, nghi ngờ cho người nghe; hoặc nói thì tán đồng nghị quyết, nhưng trong thực hành thì làm ngược lại…

     Quan điểm sai trái, thù địch thường có các đặc điểm như sau:

     Thứ nhất, thể hiện cách nhìn phiến diện, một chiều, bị chệch hoặc đi ngược lại với nhận thức chung, với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

     Thứ hai, con đường hình thành có thể do ngộ nhận, cũng có thể là sự chuyển biến về tư tưởng một cách tức thì, nhanh chóng do một vấn đề nào đó mới phát sinh tác động đến tư tưởng, tình cảm, hoặc là kết quả của quá trình tư duy lệch lạc, bức xúc cá nhân trong thời gian dài.

     Thứ ba, có sự ảnh hưởng, tác động khác nhau. Nếu là quan điểm sai trái thì chỉ dừng ở mức độ cá nhân, nhỏ. Nhưng nếu cá nhân tìm cách truyền bá rộng rãi các quan điểm sai trái đó để tạo thành quan điểm thù địch với Đảng, Nhà nước thì mức độ ảnh hưởng là rất lớn.

     Tăng cường công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội là một trong những hoạt động nhằm phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng bảo vệ thành quả cách mạng của đất nước. Muốn thực hiện tốt công tác này, trước hết cần phải:

     1) Nhận diện các thế lực, đối tượng chống phá; Có thể thấy, các thế lực, đối tượng phản động, chống phá trên internet và mạng xã hội rất đa dạng, phức tạp, thuộc nhiều bộ phận có trình độ khác nhau ở cả trong và ngoài nước.

     Như: I. Các lực lượng thù địch, bao gồm cả những người nghiên cứu lý luận thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, cả những nhà hoạt động chính trị có tư tưởng tư bản truyền thống; II. Các lực lượng cực đoan ở nước ngoài luôn lôi kéo những phần tử bất mãn trong nước, lập ra các tổ chức mà chúng ta vẫn biết như Việt Tân, Việt Nam phục quốc, Triều đại Việt...; III. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ đảng viên đã từng giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng, hay một số cán bộ lão thành trung kiên.

     2) Nhận diện các thủ đoạn tiến hành chống phá; Các đối tượng, phần tử chống phá cách mạng thiết lập các Website, blog, tài khoản Facebook, trang Fanpage như: Trang Việt Tân, Hội Anh Em Dân Chủ, Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, Chân Trời Mới Media, Tiếng nói thống nhất dân chủ, Hồn Việt, Châu Á tự do, Người Việt online, Nhật ký yêu nước, Dân làm báo… Tổ chức hàng trăm chiến dịch tuyên truyền; Pháttán với tần suất và số lượng lớn các tin, bài bình luận, videoclip... có nội dung xấu, độc. Có những thời điểm, các thế lực thù địch phát tán trunh bình hơn 130.000 bài viết, video xuyên tạc lên internet, mạng xã hội (trong đó, tin giả, xấu độc chiếm trên 50%; hơn 80.000 bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook).

     3) Nhận diện các nội dung chống phá; Các quan điểm, luận điệu của các thế lực thù địch, phản động thường tập trung vào những vấn đề như: Phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh; Nói xấu, bôi nhọ hình ảnh các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước; xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước; lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của Đảng để xuyên tạc bản chất Đảng; xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng; Xuyên tạc bịa đặt,phủ nhận những thành quả công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước ở Việt Nam; Chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; bôi nhọ cá nhân các lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng; Đòi đa nguyên đa đảng, đòi phi chính trị hóa quân đội; ca ngợi chủ nghĩa tư bản với những giá trị khác nhau của nó.

     Do tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh tư tưởng và những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, phức tạp, nên Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng, tập trung chỉ đạo và triển khai công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, công tác đấu tranh được triển khai ngày càng bài bản, thống nhất, đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt.

     Trong thời gian tới, công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng có vai trò đặc biệt quan trọng, cần tiếp tục được chú trọng thích đáng góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng do đó cần chú ý thực hiện những vấn đề sau:

     Tăng cường hoạt động Ban Chỉ đạo 35 các cấp; xây dựng chương trình trọng tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết Đại hội XIII.

     Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên internet; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tăng cường đầu tư phương tiện, kinh phí cho hoạt động đấu tranh.

     Tuyên truyền sâu rộng Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hộido Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành.

     Phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí tuyên truyềnthông tin tích cực. Cần tiếp tục đẩy mạnh quy mô, sức mạnh và sự lan tỏa các chuyên mục của các báo nhất là báo điện tử để đấu tranh chống lại những thông tin xấu trên mạng xã hộinhư chuyên mục “Bình luận - phê phán” (Báo Nhân Dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân), “Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái thù địch” (Tạp chí Cộng sản), “Chống diễn biến hòa bình” (Quân đội Nhân dân, VietnamPlus, Công an Nhân dân)… 

     Mỗi cán bộ, Đảng viên chủ động đăng tải, chia sẻ những thông tin tích cực, theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.

     Cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào theo đạo về đường lối, chính sách nói chung, đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước nói riêng. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh, nhận diện, vạch mặt những kẻ có mưu đồ đen tối nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

     Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên và mạng xã hội là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Mạng xã hội là một “mặt trận” và công cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cả hệ thống chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng; giúp người dân sử dụng internet hiệu quả; có sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh phản bác thông tin sai trái, thù địch.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-van-de-ve-tang-cuong-dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-thong-tin-xau-doc-tren-internet-va-mang-xa-hoi-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com