Thứ năm, 31.03.2022 GMT+7

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VỀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CẦN VẬN DỤNG VÀO BÀI GIẢNG “ĐƯỜNG LỐI, CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI” TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Phần học “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam” thuộc Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) được kết cấu theo 12 bài với những nội dung quan trọng, nhằm trang bị những kiến thức nền tảng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, dân tộc, tôn giáo; quốc phòng, an ninh và đối ngoại…. Trong đó, bài 9 “Đường lối, chính sách đối ngoại” có mục tiêu là trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về sự hình thành, quá trình phát triển, vai trò quan trọng và những nội dung mới trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay. Củng cố niềm tin về sự đúng đắn, hiệu quả của đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Đảng và Nhà nước; trên cơ sở đó với cương vị công tác và nhiệm vụ của học viên sẽ tích cực góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và nhà nước trong tình hình mới; góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đại hội XIII của Đảng xác định triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng với các điểm mới, đó là:

Thứ nhất, lợi ích quốc gia – dân tộc luôn được quan tâm và xác định là mục tiêu trọng yếu trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Báo cáo chính trị Đại hội XIII xác định: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.161, 162). Trong bối cảnh thế giới hiện nay, sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia ngày càng tăng lên, tất cả các nước đều chịu ràng buộc bởi quy tắc chung, luật chung; mỗi quốc gia không còn là một cá thể riêng biệt mà phải chấp nhận hoặc gắn bó với nhau trong các mối quan hệ, liên kết, hợp tác và cả cạnh tranh, xung đột do có sự đan xen cùng chiều và khác biệt về lợi ích quốc gia – dân tộc. Trong các mối quan hệ đó, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh lợi ích quốc gia – dân tộc phải luôn được quan tâm và phải được xác định là mục tiêu trọng yếu trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, xác định rõ hơn vai trò của hoạt động đối ngoại. Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr 162). Điều này làm sáng rõ hơn nhiệm vụ trọng yếu của công tác đối ngoại là tiên phong trong việc giữ gìn môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đối ngoại để phục vụ đối nội. Mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.

Thứ ba, xác định chủ trương mới trong xây dựng nền ngoại giao Việt Nam. Báo cáo chính trị Đại hội XIII xác định: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr 162). Đây là điểm mới, có tính đột phá với việc xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại “trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam (Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng).

Thứ tư, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả và vì lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia. Gắn kết chặt chẽ quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội; đổi mới, hoàn thiện thể chế nhà nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr 164). Với nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn các đặc điểm của môi trường quốc tế cũng như các hệ thống công cụ, quyền lực được sử dụng để chi phối, kiểm soát và vận dụng linh hoạt trong quá trình hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế không chỉ giới hạn trong một phạm vi hay một lĩnh vực của đời sống quốc tế mà ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Do đó, Việt Nam thực hiện hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và tham gia vào các quá trình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Để thực hiện hội nhập quốc tế có hiệu qủa, nhất định phải tăng cường nội lực, giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển “dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ năm, chủ động, tích cực đóng góp với các hoạt động quốc tế. Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh: “Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr 164). Tích cực triển khai các cam kết khu vực và quốc tế, lồng ghép với các chiến lược, chính sách, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác, phát triển và tiến bộ xã hội.

Cùng với việc xây dựng nền ngoại giao hiện đại, vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, Báo cáo chính trị Đại hội XIII còn xác định: “Nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr 165). Chủ động thích ứng trước chuyển biến của tình hình quốc tế, với tinh thần “Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo, nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt” (Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng).

Khi giảng bài “Đường lối, chính sách đối ngoại’ thuộc phần học “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị, giảng viên cần phân tích, làm rõ nội dung yêu cầu mới mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra trong điều kiện sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Đất nước mở cửa và thiết lập các mối quan hệ quốc tế rộng lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với thế giới. Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại với các đối tác trên thế giới, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tầm ảnh hưởng to lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Thực hiện đường lối đối ngoại “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả” là đòi hỏi mới, là điều kiện để Việt Nam tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để xây dựng, bảo vệ đất nước, Chủ động, tích cực phải gắn liền với bảo đảm hiệu quả của quá trình hội nhập, “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc”, bảo đảm phát triển bền vững của đất nước và của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-noi-dung-moi-ve-hoat-dong-doi-ngoai-can-van-dung-vao-bai-giang-duong-loi-chinh-sach-doi-ngoai-trong-chuong-trinh-trung-cap-ly-luan-chinh-tri
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com