Thứ sáu, 25.03.2022 GMT+7

TRAO ĐỔI VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG ĐỂ THỰC HIỆN TỐT VIỆC NGHIÊN CỨU THỰC TẾ CỦA HỌC VIÊN TRONG QUY CHẾ ĐÀO TẠO TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm 5 quy chế, trong đó Quy chế Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị có quy định rõ nội dung nghiên cứu thực tế của học viên như sau:

Thứ nhất, trong Quy chế đã quy định rõ thời điểm, nội dung và phương thức nghiên cứu thực tế của học viên Trung cấp lý luận chính trị.

Thời điểm: Nhà trường bố trí cho học viên đi nghiên cứu thực tế sau khi đã học xong ít nhất 2 phần học.

Nội dung: nghiên cứu thực tế phải gắn với kiến thức đã học trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị.

Phương thức: Nghe báo cáo thực tế do các địa phương, cơ quan, đơn vị chuẩn bị; Nghiên cứu sâu các mô hình, điển hình, tìm hiểu cách làm hay, làm mới của cơ quan, đơn vị; Tham dự vào hoạt động chung của địa phương, cơ quan, đơn vị, hoạt động riêng của tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, tham quan các cơ sở sản xuất kinh doanh, tham gia hoạt động văn hóa - xã hội; Trên cơ sở kiến thức thực tế thu hoạch được, đề xuất, kiến nghị với địa phương, cơ quan, đơn vị đến nghiên cứu những vấn đề cần tiếp tục phát huy hoặc những bất cập cần khắc phục trong thời gian tới.

Thứ hai, thành lập đoàn đi nghiên cứu thực tế.

Trên cơ sở đề xuất của Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, lãnh đạo trường quyết định thành lập các đoàn đi nghiên cứu thực tế, mỗi lớp từ 1 đến 3 đoàn; Trưởng đoàn có thể là cán bộ, giảng viên khoa chuyên môn, chủ nhiệm lớp; Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học theo dõi, đôn đốc các đoàn thực hiện thực hiện kế hoạch đi nghiên cứu thực tế.

Thứ ba, viết và chấm bài thu hoạch nghiên cứu thực tế.

Trong nội dung thứ 3 này, yêu cầu rõ về thời gian làm việc, xây dựng báo cáo kết quả hoạt động nghiên cứu thực tế; đưa ra đề xuất kiến nghị; Học viên viết thu hoạch theo hướng dẫn; Các quy định về chấm bài thu hoạch và quy định đối với học viên không đi nghiên cứu thực tế khi có lý do được sự đồng ý của Hiệu trưởng thì phải đi nghiên cứu thực tế với lớp khác.

Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện nghiêm túc hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên, xây dựng kế hoạch tổ chức cho học viên các lớp học đi nghiên cứu thực tế theo đúng quy định (đối với Quy chế 2252 học viên học hết 2/3 chương trình thì đi nghiên cứu thực tế theo kế hoạch nhà trường xây dựng. Nhưng đến Quy chế 6468 này thì học viên học xong 2 phần học là có thể đi nghiên cứu thực tế).

Mục đích cuối cùng của việc đưa học viên đi nghiên cứu thực tế phải đảm bảo được mục tiêu đề ra, giúp cho học viên củng cố, bổ sung kiến thức lý luận đã được học trên lớp, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của học viên. Trong thời gian học viên đi nghiên cứu thực tế theo chương trình, kế hoạch được nghe báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; học hỏi thêm các kinh nghiệm thực tiễn của các địa phương, cơ sở trong tỉnh để vận dụng vào quá trình công tác. Được tiếp xúc và làm việc với cơ sở đã giúp cho học viên có cái nhìn khách quan, vận dụng được các kiến thức đã học, đồng thời củng cố, bổ sung kiến thức lý luận đã được học trên lớp gắn với thực tiễn, tích lũy được những kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của học viên.

Ngoài mục đích gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong công tác giảng dạy và học tập. Thông qua nghiên cứu thực tế còn giúp địa phương, cơ sở đánh giá lại hoạt động thực tiễn ở cơ sở trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền nhà nước, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Qua nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng vấn đề và có hướng đề xuất những giải pháp sát hợp, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở nơi nghiên cứu thực tế.

Để vận dụng tốt các nội dung trong Quy chế này, phục vụ cho hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, Ban Giám hiệu nhà trường cần tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên. Chú trọng tiếp nhận ý kiến phản hồi thông tin với địa phương, cơ sở nơi nghiên cứu; quan tâm, chỉ đạo việc đa dạng hóa hoạt động nghiên cứu thực tế. 

Hai là, đối với Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học; giáo viên chủ nhiệm cần nghiên cứu kỹ nội dung trong Quy chế mới để tham mưu với Ban Giám hiệu có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện một cách hiệu quả; quán triệt những nội dung, nhiệm vụ cần thiết của việc đi nghiên cứu thực tế để học viên hiểu, nắm rõ được mục đích, nhiệm vụ đi nghiên cứu thực tế của mình để phục vụ cho việc viết bài thu hoạch. Trang bị cho học viên các kiến thức cơ bản, các kỹ năng trước khi đi nghiên cứu như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thu thập thông tin, phục tùng sự phân công và giờ giấc của đoàn; chỉ đạo ban cán sự lớp cần phối hợp tốt với trưởng đoàn, cán bộ phụ trách để triển khai các hoạt động nghiên cứu thực tế, vấn đề an toàn của đoàn đi phải được chú trọng. Làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho học viên về ý nghĩa, vai trò khi đi nghiên cứu thực tế.

Ba là, đối với học viên, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình đối với hoạt động nghiên cứu thực tếThay đổi nhận thức về hoạt động nghiên cứu thực tế, trong quá trình đi nghiên cứu học viên phải thực sự nghiêm túc tiếp thu kiến thức thực tế để phục vụ học tập và công tác. Trong quá trình làm việc, nghe báo cáo, tham quan các mô hình phát triển kinh tế, học viên cần có ý thức tôn trọng, lắng nghe, ghi chép đầy đủ các nội dung ý kiến, đề xuất, kiến nghị từ cơ sở. Khi kết thúc đợt nghiên cứu thực tế, mỗi học viên phải nghiêm túc đầu tư thời gian và công sức hoàn thành bài viết thu hoạch. Trong bài viết học viên cần phải trình bày đầy đủ các nội dung cần thiết theo quy định và rút ra những nhận thức sâu sắc nhất sau hoạt động nghiên cứu thực tế.

Bốn là, đối với cơ sở đoàn đến nghiên cứu thực tế, phải có sự liên hệ chặt chẽ, trao đổi giữa Nhà trường với báo cáo viên, nhằm chuẩn bị chu đáo về nội dung báo cáo sát với nội dung nghiên cứu của đoàn. 

Những nội dung trao đổi trên hướng tới mục đích nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên theo đúng Quy chế Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị, nhằm nâng cao chất lượng học tập, đáp ứng yêu cầu đào tạo trong tình hình mới.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=trao-doi-ve-mot-so-noi-dung-de-thuc-hien-tot-viec-nghien-cuu-thuc-te-cua-hoc-vien-trong-quy-che-dao-tao-trung-cap-ly-luan-chinh-tri
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com