Thứ sáu, 18.03.2022 GMT+7

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TRONG QUY CHẾ GIẢNG VIÊN CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Ngày 21 tháng 12 năm 2021, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG về việc ban hành Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thay thế cho bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Trong bộ Quy chế quản lý đào tạo mới ban hành có nhiều nội dung mới được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình, điều kiện hiện nay. Trong đó có những điểm mới của Quy chế giảng viên, đó là:

Về kết cấu, bố cục: Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG gồm 7 chương, 30 điều (Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2252-QĐ/HVCTQG gồm 6 chương 25 điều), bổ sung thêm chương VI Nghiên cứu thực tế với 02 mục và 06 điều về nội dung, hình thức, quy trình, thời gian, quyền hạn, trách nhiệm… của giảng viên khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thực tế. 

Chương I Những quy định chung (tên chương không thay đổi) gồm 3 điều. Tại điều 1 có bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu thực tế của giảng viên và làm rõ thêm đối tượng áp dụng ngoài giảng viên, những người tham gia thỉnh giảng còn bao gồm cả giảng viên kiêm chức. 

Chương II Tiêu chuẩn, nhiệm vụ (tên chương ngắn gọn hơn so với Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2252-QĐ/HVCTQG: Tiêu chuẩn, nhiệm vụ của giảng viên và giảng viên thỉnh giảng). 

Tại mục 1 Điều 5 có sự thay đổi về tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy lý luận chính trị: phần b quy định rõ tiêu chuẩn phải có bằng Trung cấp LLCT hoặc Trung cấp LLCT-HC trở lên thay cho tiêu chuẩn có bằng hoặc chứng nhận tương đương Trung cấp LLCT hoặc Trung cấp LLCT-HC trở lên. Toàn bộ quy định chi tiết tại phần d, đ, e của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2252-QĐ/HVCTQG được diễn đạt ngắn gọn trong phần đ) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên trong quy chế mới. Quy chế mới bổ sung thêm phần e) Sử dụng thành thạo các phương pháp, phương tiện dạy học hiện đại. Đây là yêu cầu cao hơn của giảng viên so với trước. 

Tại mục 2 Điều 5 quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ của giảng viên chính có bổ sung thêm 2 yêu cầu: Có trình độ Cao cấp lý luận chính trị và có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thể hiện rõ yêu cầu “chủ trì được các đề tài, đề án cấp cơ sở trở lên” thay vì yêu cầu “có khả năng nghiên cứu khoa học và hoàn thành các nhiệm vụ khoa học được giao”.

Các mục trong Điều 5 thể hiện sự kế thừa theo từng nấc thang từ yêu cầu với giảng viên đến giảng viên chính và giảng viên cao cấp, không diễn đạt lại như trong Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2252-QĐ/HVCTQG mà thể hiện sự bao hàm của các cấp độ cao hơn theo từng ngạch bậc của giảng viên. 

Tại Điều 7 quy định mới về nhiệm vụ cụ thể của giảng viên, giảng viên chính quy định thao giảng ít nhất 1 tiết/năm (Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2252-QĐ/HVCTQG là 2 tiết). 

Điều 8 có bổ sung thêm đối tượng giảng viên thỉnh giảng thứ 5 là “người nước ngoài có năng lực giảng dạy, thái độ chính trị phù hợp với thể chế chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tuân thủ pháp luật của Việt Nam” thay cho Điều 9 trong Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2252-QĐ/HVCTQG

 Bổ sung thêm Điều 9: Công nhận, sử dụng giảng viên thỉnh giảng (là điểm mới hoàn toàn so với Quy chế trước đây) và hợp nhất Điều 10 và Điều 11 tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2252-QĐ/HVCTQG thành Điều 10 Nghĩa vụ và quyền lợi của giảng viên thỉnh giảng. 

Chương III Giảng dạy: 

Tại Điều 13 có thay đổi về khung định mức giờ chuẩn giảng dạy với Giảng viên tập sự: Tối đa 90 giờ chuẩn (trước là 135 giờ chuẩn).

Tại Điều 14 quy định tính giờ chuẩn có nhiều thay đổi: Ra 1 đề thi viết và đáp án tính từ 2,0 đến 2,5 giờ chuẩn (trước tính từ 1.0 đến 1.5 giờ chuẩn); Ra 5 đề thi và đáp án thi vấn đáp tính từ 1,5 đến 2,0 giờ chuẩn (trước tính từ 1.0 đến 1.5 giờ chuẩn); Ra 1 đề thi trắc nghiệm và đáp án tính từ 2,0 đến 2,5 giờ chuẩn (trước tính từ 1.0 đến 1.5 giờ chuẩn); đồng thời bổ sung phần 9. Chấm thi giảng viên dạy giỏi cấp trường được tính từ 3,0 đến 4,0 giờ chuẩn/buổi và 10. Không quy đổi thời gian thực hiện nhiệm vụ ra giờ chuẩn giảng dạy đối với các nhiệm vụ đã có hỗ trợ thù lao từ các nguồn kinh phí khác. Tuy nhiên, các nhiệm vụ này được tính vào tổng định mức giờ chuẩn giảng dạy để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trong năm đối với giảng viên không đạt định mức lao động.

Chương IV Thao giảng: Điều 18 có thay đổi về thời gian thao giảng 01 tiết (trước quy định thời gian thao giảng cấp khoa 2 tiết, cấp trường từ 1-2 tiết). 

Chương VI Nghiên cứu thực tế là chương được bổ sung mới so với Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2252-QĐ/HVCTQG gồm có 6 điều: (Trên cơ sở Hướng dẫn 314-HD/HVCTQG ngày 12/6/2019 về hướng dẫn Nghiên cứu thực tế của cán bộ, giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương)

Điều 24. Nội dung và phương thức đi thực tế hằng năm đã quy định chi tiết, cụ thể những nội dung và phương thức đi nghiên cứu thực tế hàng năm của giảng viên theo từng ngạch bậc rõ ràng. Trên cơ sở này giảng viên thuận lợi chọn nội dung nghiên cứu thực tế và lựa chọn được phương thức nghiên cứu thực tế đảm bảo đúng quy định và thuận lợi cho bản thân để đạt kết quả cao nhất.

Điều 25. Quy trình đi thực tế hằng năm đưa ra quy trình nghiên cứu thực tế hàng năm gồm 03 bước: 

1. Xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế

2. Triển khai kế hoạch nghiên cứu thực tế

3. Đánh giá kết quả đi thực tế hằng năm

Trong đó giảng viên cần chú ý thực hiện quá trình nghiên cứu thực tế theo đúng quy định, đảm bảo quy trình, viết thu hoạch để đảm bảo kết quả đạt yêu cầu.

Điều 26. Đối tượng, thời gian, địa điểm đi thực tế có kỳ hạn đã quy định cụ thể về đối tượng, đôh tuổi, thời hạn (từ 06 đến 12 tháng) và địa điểm đi thực tế có kỳ hạn. Đây là cơ sở để giảng viên và nhà trường tổ chức thực hiện hoạt động nghiên cứu thực tế có kỳ hạn được thuận lợi. 

Điều 27. Trách nhiệm và quyền lợi quy định rõ về trách nhiệm và quyền lợi của giảng viên khi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn. Cụ thể:    

Trách nhiệm: Trên cơ sở kế hoạch (hoặc đề án) nghiên cứu thực tế của trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị nơi đến thực tế thống nhất, cán bộ giảng viên được cử đi nghiên cứu thực tế xây dựng kế hoạch cá nhân; Học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, phong cách và phương pháp công tác; Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực xây dựng địa phương, cơ quan đến thực tế; xây dựng giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, giúp đỡ nhau với đồng chí, đồng nghiệp; Định kỳ tháng, quý báo cáo (văn bản) với Hiệu trưởng, trưởng khoa, phòng và cấp ủy (hoặc thủ trưởng cơ quan) nơi đến thực tế về tình hình và kết quả công tác; Trên cơ sở kiến thức lý luận, cán bộ giảng viên tích cực đề xuất sáng kiến, giải pháp trong lãnh đạo, quản lý, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với địa phương, cơ quan, đơn vị; Trong thời gian đi thực tế, cán bộ giảng viên chịu sự quản lý, phân công công tác của đơn vị đến nghiên cứu thực tế; chấp hành nghiêm quy định nơi đến thực tế.

Quyền lợi: Cán bộ, giảng viên đi thực tế có kỳ hạn được hưởng nguyên lương; phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi khác (nếu có) thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và của nhà trường; được địa phương, cơ quan, đơn vị đến thực tế tạo điều kiện thuận lợi phù hợp với thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị; Kết quả đi thực tế của cán bộ, giảng viên là một trong những cơ sở để nhà trường xem xét, đánh giá cán bộ, giảng viên hằng năm; khen thưởng, kỷ luật; quy hoạch, bổ nhiệm, cử đi đào tạo trình độ cao hơn, nâng lương trước thời hạn...

Điều 28. Nội dung và phương thức đi thực tế có kỳ hạn đã quy định cụ thể, chi tiết nội dung (gắn với chương trình đào tạo bồi dưỡng và nhiệm vụ chính trị mà trường đảm nhận) và phương thức nghiên cứu thực tế có kỳ hạn. Đây là cơ sở để lãnh đạo, giảng viên nhà trường chọn lựa nội dung, cách thức và liên hệ các địa phương, cơ sở, đơn vị để thực hiện chương trình nghiên cứu thực tế có kỳ hạn đạt kết quả tốt. 

Điều 29. Quy trình đi thực tế có kỳ hạn chỉ rõ quy trình nghiên cứu thực tế có kỳ hạn gồm 5 bước:

1. Xây dựng đề án đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế có kỳ hạn

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch đi thực tế có kỳ hạn

3. Triển khai kế hoạch đi thực tế có kỳ hạn

4. Đánh giá kết quả đi thực tế có kỳ hạn: Đánh giá theo 2 mức độ: đạt và không đạt.

5. Lưu trữ, quản lý: Báo cáo thu hoạch nghiên cứu thực tế có kỳ hạn lưu tại thư viện nhà trường ít nhất 2 năm kể từ thời điểm công bố kết quả.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giảng viên cần chú ý nắm chắc, đầy đủ những quy định thuộc Quy chế giảng viên, đặc biệt là những điểm mới được bổ sung, sửa đổi theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG. Từ đó xác định và xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của bản thân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của nhà trường. 

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-diem-moi-trong-quy-che-giang-vien-cua-truong-chinh-tri-tinh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com