Thứ sáu, 18.03.2022 GMT+7

VẬN DỤNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY PHẦN HỌC “XÂY DỰNG ĐẢNG” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Phần học “Xây dựng Đảng” thuộc Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) được kết cấu theo 9 bài với những nội dung quan trọng, giới thiệu học thuyết Mác – Lênin về đảng cộng sản, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Trên nền tảng lý luận, phần học đề cập những vấn đề cụ thể trong công tác xây dựng Đảng, đó là: công tác đảng viên, công tác tư tưởng, công tác cán bộ, công tác dân vận, công tác kiểm tra giám sát và công tác văn phòng cấp ủy của tổ chức cơ sở đảng. Từ đó trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản và định hướng chính trị về kiên định đường lối đổi mới của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại hội XIII của Đảng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng. Tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng được thể hiện trong chủ đề, bài học kinh nghiệm, quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII và Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng. Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII: Đại hội XIII đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng. Gắn với kiến thức phần học “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, những bài học kinh nghiệm này cần được quán triệt vận dụng đầy đủ vào nội dung các bài giảng thuộc phần học “Xây dựng Đảng” trong Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị. 

Bài học kinh nghiệm thứ nhất, “Nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng; kịp thời tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để đổi mới sáng tạo, chống bảo thủ, trì trệ; đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện cơ hội chính trị” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.225, 226). Trong các bài “Công tác tư tưởng của tổ chức cơ sở đảng” và “Công tác cán bộ của tổ chức cơ sở đảng” cần vận dụng vào giảng dạy – học tập và nhấn mạnh tới bài học thứ nhất này, nhằm góp phần củng cố nền tảng tư tưởng, nâng cao tầm nhìn và năng lực tư duy, hoàn thiện phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; tu dưỡng, rèn luyện nhân cách của cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bài học thứ hai, “Phải đặc biệt coi trọng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, trước hết trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt và cấp ủy các cấp. Người đứng đầu các cấp phải thực sự mẫu mực, nói đi đôi với làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia – dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết. Thường xuyên tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr. 226). Bài học thứ hai này phải được khắc sâu, nhấn mạnh khi giảng dạy – học tập bài “Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam”, nhất là ở các nội dung nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng và nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân. Sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động phải được bảo đảm bằng sự thống nhất về tư tưởng, đường lối chính trị và tổ chức, trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Thường xuyên và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, mà nền tảng là giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, là biểu hiện, là yêu cầu bản chất giai cấp của Đảng, cũng là điều kiện để giữ vững bản chất của Đảng. “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 65). Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.   

Bài học thứ ba, “Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr. 226). Trong bài “Công tác cán bộ của tổ chức cơ sở đảng” cần vận dụng vào giảng dạy – học tập và đặc biệt nhấn mạnh tới bài học thứ ba này, nhất là ở các nội dung vai trò của cán bộ, công tác cán bộ của tổ chức cơ sở đảngquan điểm xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, những giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ của tổ chức cơ sở đảng. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”, “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Do đó, công tác cán bộ phải là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng.  

Bài học thứ tư, “Xây dựng Đảng phải gắn kết chặt chẽ với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó xây dựng Đảng là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách; đồng thời xác định trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr. 227). Trong các bài “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng” và “Công tác cán bộ của tổ chức cơ sở đảng” cần vận dụng phù hợp nội dung bài học thứ tư này vào giảng dạy – học tập. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng phải được thể hiện ở kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phải gắn liền với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 - Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá”.

Bài học thứ năm, “Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cách làm bài bản, dân chủ, chắc chắn và có bước đi phù hợp; kiên trì, cầu thị, lắng nghe; không cầu toàn, không chủ quan nóng vội, mất cảnh giác và không tự mãn với thành tích đạt được. Đối với những việc mới, khó, phức tạp thì tiến hành thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tìm ra cách làm phù hợp, hiệu quả nhất để nhân rộng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr. 227). Trong các bài “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng”,  “Công tác cán bộ của tổ chức cơ sở đảng”, “Công tác dân vận của tổ chức cơ sở đảng” và “Công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng” cần vận dụng phù hợp nội dung bài học thứ năm này vào giảng dạy – học tập. Kiên quyết, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Những bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng nêu trên được rút ra từ chính quá trình lãnh đạo và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, là sự vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam, nhất là từ thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước. Vận dụng và phát huy các bài học kinh nghiệm này trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay sẽ giúp cho Đảng củng cố được niềm tin, tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, khơi dậy được tiềm năng sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-bai-hoc-kinh-nghiem-trong-cong-tac-xay-dung-dang-vao-giang-day-phan-hoc-xay-dung-dang-thuoc-chuong-trinh-trung-cap-ly-luan-chinh-tri
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com