Thứ ba, 08.03.2022 GMT+7

LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC 20/3

Tháng 6/2012, Liên hợp quốc đã chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết sẽ nhiệt tình ủng hộ ngày này. Đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hoà của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực… Bởi vậy ngày 20/3 - Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng chuyển tải thông điệp rằng: Cân bằng, hài hoà là một trong những chìa khoá để mang đến hạnh phúc.

     Ngày 20/3/2013, Liên hợp quốc đã tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc đầu tiên với thông điệp chính được phát động trên toàn thế giới: “Hãy hành động vì hạnh phúc”. Theo Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon: “Ngày Quốc tế Hạnh phúc đầu tiên cho chúng ta cơ hội để tăng cường cam kết nhằm thúc đẩy quá trình phát triển bền vững và toàn diện của nhân loại, cũng như làm mới lại các cam kết của chúng ta để giúp đỡ những người khác. Khi chúng ta đóng góp cho lợi ích chung, chúng ta cũng làm giàu cho chính mình. Lòng nhân ái mang lại hạnh phúc và giúp chúng ta xây dựng được tương lai như chính chúng ta mong muốn”.

     Ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc.

     Ngày 20/3/2014, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã gửi đi thông điệp, trong đó, ông nhấn mạnh “Đối với mỗi người khác nhau, hạnh phúc có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta đều công nhận rằng hạnh phúc nghĩa là làm việc để chấm dứt xung đột, nghèo đói và các điều kiện không may khác và rất nhiều đồng loại của chúng ta hiện đang phải sống trong các điều kiện đó…” Năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” đem thông điệp tới mọi người hãy yêu thương và chia sẻ cùng nhau trong gia đình, trong dòng tộc, trong mỗi cộng đồng, giữa những người bạn, người đồng chí, trong mỗi đơn vị, cơ quan, trường học đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần phát triển an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

     Ngày 20/3/2015, thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tiếp tục được truyền đi khắp thế giới: “… Theo đuổi hạnh phúc là một nhiệm vụ nghiêm túc. Đem lại hạnh phúc cho toàn thể gia đình nhân loại là một trong những mục tiêu chính của Liên Hợp Quốc. Hòa bình, thịnh vượng, nhân phẩm cho tất cả mọi người - đây là những gì chúng ta tìm kiếm. Chúng ta muốn mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em đều được tận hưởng tất cả các quyền con người của mình. Chúng ta muốn tất cả các Quốc gia biết đến hạnh phúc của hòa bình”.

     Từ năm 2019 đến nay, Ngày Quốc tế hạnh phúc được tiếp nối với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”, với các thông điệp: “Hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3”; “Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”; “Hãy tạo ra môi trường sống và làm việc hạnh phúc hơn”; “Lòng nhân ái mang lại hạnh phúc”; “Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình”; “Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên” nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân và cộng đồng xã hội về Ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3, góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội, đồng thời vận động các tầng lớp nhân dân và cộng đồng xã hội thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, hướng tới xây dựng gia đình “No ấm, hạnh phúc, phát triển bền vững”.

     Đất nước đang trên đà phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đang ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân thông qua việc ban hành các chính sách nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếm thế trong xã hội... Đó là những yếu tố quan trọng làm nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, đủ đầy của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=lich-su-va-y-nghia-ngay-quoc-te-hanh-phuc-203
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com