Thứ hai, 21.02.2022 GMT+7

KỶ NIỆM 115 NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ TRƯỜNG CHINH (09/02/1907-09/02/2022), NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI NĂNG, KIỆT XUẤT CỦA ĐẢNG, NHÀ VĂN HÓA LỚN CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Tổng Bí thư Trường Chinh - Người cộng sản kiên cường, mẫu mực; nhà chính trị tài ba; nhà tư tưởng, lý luận chính trị kiệt xuất; nhà văn hóa lớn; người con ưu tú của quê hương Nam Định. Với 81 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng (1925-1988), 3 lần được bầu làm Tổng Bí thư (vào các năm 1941, 1951 và 1986), đồng chí Trường Chinh đã đảm nhiệm nhiều vị trí, trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Ở Tổng Bí thư Trường Chinh có sự hòa quyện giữa nhà chính trị, tư tưởng và lý luận với nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ hội tụ làm một, thể hiện tài năng, tình cảm cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản suốt đời phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trên mọi cương vị công tác, đồng chí đã thể hiện là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. 

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1927, đồng chí gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Thông qua việc nghiên cứu tác phẩm “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc và thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin, từ một thanh niên yêu nước, đồng chí đã trở thành đảng viên cộng sản, thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1935, sau khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, trên cương vị Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách công tác tuyên truyền, đồng chí đã đem hết tài trí truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Đảng, góp phần vào thành công của cuộc vận động dân chủ trong những năm 1936-1939 do Đảng ta lãnh đạo. Năm 1941, tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa I), đồng chí được bầu giữ trọng trách Tổng Bí thư. Bên cạnh việc chỉ đạo củng cố về tổ chức của Đảng và Mặt trận, trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã cho thành lập, chỉ đạo và viết bài cho các báo chí của Đảng nhằm truyền đạt, thông báo những biến đổi mau chóng của tình hình và những nhận định về thời cuộc, đường lối, chủ trương của Đảng đến cán bộ, nhân dân; vận động và tổ chức quần chúng, uốn nắn phong trào cách mạng,... Chính chủ trương đúng đắn và sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Trường Chinh đã khởi nguồn cho sự ra đời của Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng (10-1941); báo Cứu quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh (1-1942); báo Cờ Giải phóng - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (10-1942) và một loạt báo địa phương khác. Các ấn phẩm báo chí trên đã trở thành vũ khí sắc bén, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. 

Là một trong những nhà lý luận chiến lược của Đảng ta, Tổng Bí thư Trường Chinh đã để lại nhiều tác phẩm lý luận có giá trị: Chống chủ nghĩa cải lương; Vấn đề dân cày (viết chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp); Chính sách mới của Đảng; Kháng chiến nhất định thắng lợi; Bàn về cách mạng Việt Nam; Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược… Thông qua các tác phẩm đó đã góp phần làm rõ 2 vấn đề lý luận: Về phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trước mỗi thử thách của cách mạng, ở mỗi chặng đường lịch sử, Tổng Bí thư Trường Chinh đều nêu lên nhiệm vụ cụ thể của văn hóa. Nhiều tác phẩm, bài viết của đồng chí góp phần hình thành một hệ thống hoàn chỉnh những quan điểm đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm Hồ Chí Minh vào lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật Việt Nam.

Tổng Bí thư Trường Chinh với bút danh Sóng Hồng đã sáng tác hơn 200 bài thơ với quan điểm chủ đạo “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đề cương văn hóa Việt Nam; Báo cáo về Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam; Báo cáo đọc tại các Đại hội văn nghệ toàn quốc… với sự tham gia biên soạn của đồng chí là những cơ sở lý luận để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Và đến nay vẫn còn nguyên giá trị, minh chứng cho tầm nhìn chiến lược và sâu rộng của Tổng Bí thư Trường Chinh.

Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, từ năm 1941, cùng với BCH Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những thời điểm bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí, nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với các cương vị: Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, rồi sau đó là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí đã có những đóng góp to lớn, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chiến đấu kiên cường, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Cống hiến đặc biệt của Tổng Bí thư Trường Chinh là đã đặt nền móng cho công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Năm 1986, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí sớm nhận rõ xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước và nguyện vọng của nhân dân. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Với quan điểm, nhận thức đó, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều chuyến đi khảo sát các tỉnh từ Nam ra Bắc thâm nhập thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đúc kết thành quan điểm, tư tưởng đổi mới.

 Bằng lý luận, phương pháp luận, nghiên cứu thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm, Tổng Bí thư Trường Chinh là người lát viên gạch đầu tiên để xây nên ngôi nhà “đổi mới”, dũng cảm tiến hành cuộc đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Tổng Bí thư Trường Chinh đã cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng. Từ đó, Đảng lãnh đạo nhân dân ta giành được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn.

Tổng Bí thư Trường Chinh là người học trò xuất sắc và là một trong những đồng chí chiến đấu, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Trường Chinh có sự hòa quyện giữa nhà chính trị, tư tưởng và lý luận với nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ hội tụ làm một, thể hiện tài năng, tình cảm cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản suốt đời phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh, là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Trường Chinh. Noi gương Tổng Bí thư Trường Chinh, chúng ta nguyện một lòng đi theo con đường mà Đảng ta và Bác Hồ đã chọn, không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết, nhất trí, phấn đấu “đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao” mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=ky-niem-115-ngay-sinh-tong-bi-thu-truong-chinh-09021907-09022022-nha-lanh-dao-tai-nang-kiet-xuat-cua-dang-nha-van-hoa-lon-cua-cach-mang-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com