Thứ ba, 18.01.2022 GMT+7

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ MÔN HỌC “KINH TẾ CHÍNH TRỊ MÁC - LÊNIN” TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Ngày 21/01/2021, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG về ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp Lý luận chính trị (LLCT)). Chương trình Trung cấp LLCT có hiệu lực từ ngày 01/5/2021, gồm 13 môn học, nghiên cứu thực tế, thi tốt nghiệp hoặc viết khóa luận tốt nghiệp. Chương trình này có tổng số 1.056 tiết, song kết cấu, nội dung được cải tiến, bổ sung và biên soạn theo hướng rõ hơn về lý luận, phù hợp với thực tiễn, bám sát đối tượng người học; đáp ứng được mục đích, yêu cầu, chất lượng đào tạo lý luận chính trị so với Chương trình Trung cấp LLCT – HC trước đây.

Môn học Kinh tế chính trị học Mác – Lênin là một trong 03 bộ môn cấu thành “Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin”. Đây là một phần học có vị trí, vai trò quan trọng trong Chương trình Trung cấp LLCT nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản nhất về học thuyết giá trị, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác; học thuyết về chủ nghĩa tư bản độc quyền của Lênin. Từ đó, người học hiểu rõ bản chất phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và thấy được bí mật của xã hội tư bản chủ nghĩa. Bên cạnh đó, phần học còn cung cấp cho người học những kiến thức về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; từ đó, xuất phát từ nhiệm vụ công tác, mỗi đồng chí sẽ có những đóng góp để xây dựng kinh tế địa phương ngày càng phát triển, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2014 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về sửa đổi, bổ sung chương trình Trung cấp LLCT - HC, phần học Kinh tế chính trị Mác-Lênin gồm 02 bài: Bài 3 “Những vấn đề cơ bản phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa” và Bài 4 “Những vấn đề kinh tế chính trị thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, Theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG ngày 21/01/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phần học này được tách ra là một môn học độc lập gồm có 06 bài từ bài số 12 đến bài số 17 trong sách giáo trình Trung cấp lý luận chính trị. Trong đó:

Về kết cấu: Môn học Kinh tế chính trị được kết cấu gồm 06 chuyên đề với tổng số 64 tiết, trong đó 60 tiết thực giảng và 04 tiết thảo luận (tăng 24 tiết so với chương trình cũ), gồm 02 phần:

Phần thứ nhất: Kinh tế chính trị về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa gồm 03 chuyên đề với tổng số 40 tiết. Cụ thể:

Bài 12: Nền sản xuất hàng hóa và quy luật giá trị trong nền sản xuất hàng hóa (12 tiết)

Bài 13: Sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa (20 tiết)

Bài 14: Độc quyền trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và những biểu hiện mới hiện nay (8 tiết)

Phần thứ hai: Kinh tế chính trị về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội gồm 03 bài với tổng số 24 tiết. Cụ thể:

Bài 15: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa từ trình độ phát triển kinh tế lạc hậu (08 tiết)

Bài 16: Đặc điểm kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (08 tiết)

Bài 17: Những nhiệm vụ kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lệ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (08 tiết)

Về nội dung: Các chuyên đề trong Chương trình mới đã kế thừa và làm rõ hơn toàn bộ nội dung trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính cũ về mặt lý luận. Tuy nhiên, vì các nội dung cơ bản của Kinh tế chính trị được tách ra thành các bài độc lập, do đó, phần lý luận được viết sâu hơn, phần liên hệ thực tiễn được thêm vào hợp bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước, do đại dịch Covid -19 gây ra, việc gắn lý luận của C.Mác với thực tiễn càng cho thấy giá trị thời đại mà học thuyết kinh tế của C.Mác mang lại. Bên cạnh đó, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng được vận dụng linh hoạt và phù hợp vào nội dung các chuyên đề. Đặc biệt là những điểm mới trong Văn kiện lần thứ XIII về kinh tế thị trường, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa để làm rõ những nhiệm vụ kinh tế mà Việt Nam cần thực hiện trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Với nội dung các chuyên đề được viết cụ thể hơn, thời gian lên lớp cũng nhiều hơn so với chương trình cũ, các giảng viên sẽ có nhiều cơ hội để giảng giải cũng như trao đổi, thảo luận nội dung bài với học viên; từ đó, làm sáng tỏ các học thuyết về kinh tế của C.Mác. Tuy nhiên, vì đây là một môn học khó, có rất nhiều phạm trù trừu tượng, do đó, để học viên hiểu sâu lý luận, từ đó vận dụng vào thực tiễn địa phương, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, về chuẩn bị giáo án. 

Giảng viên cần chuẩn bị tốt bài soạn trước khi lên lớp. Đây là một khâu vô cùng quan trọng giúp giảng viên có tâm thế tốt nhất trước khi lên lớp. Mặc dù, chương trình lý luận chính trị chỉ thay đổi về kết cấu bài giảng, nội dung lý luận cơ bản  được kế thừa chương trình chính trị - hành chính; tuy nhiên, bối cảnh thời đại thay đổi, đặc biệt, tình hình kinh tế trong nước và thế giới thay đổi trước đại dịch Covid-19, chính sách của Nhà nước ta về kinh tế cũng thay đổi theo từng thời kỳ cho phù hợp. Do đó, giảng viên cần cập nhật kịp thời và vận dụng linh hoạt vào từng bài giảng, đặc biệt, ở nội dung liên hệ thực tiễn. 

Thứ hai, về phương pháp giảng dạy. 

Kinh tế chính trị là một môn học khó, trừu tượng, nên ngoài những phương pháp tích cực mà giảng viên sử dụng như thuyết trình, hỏi - đáp, phỏng vấn nhanh,… trong quá trình giảng, giảng viên cần có các kỹ năng để giúp học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu những nội dung kinh điển của chủ nghĩa Mác. Cụ thể:

Một là, giảng viên nên tóm lược khái quát kết cấu môn học, kết cấu bài học, chỉ ra tính logic giữa các phần, giữa các bài để người học hình dung được toàn bộ nội dung phần Kinh tế chính trị của C.Mác; khi đã hiểu được “bức tranh” toàn cảnh rồi thì đi vào từng mảng, từng chuyên đề, người học sẽ dễ dàng tiếp cận các nội dung của môn học.

Hai là, vì đây là môn học có rất nhiều khái niệm, phạm trù trừu tượng, do đó, trong quá trình truyền đạt, giảng viên nên cố gắng sử dụng những ngôn từ gần gũi, dễ hiểu nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học để truyền đạt cho học viên.

Ba là, giúp học viên học cách nhớ từ khóa (key words) của từng nội dung. Với một dung lượng kiến thức lớn và khó để học theo kiểu học thuộc lòng, buộc người học phải biết cách học để nắm được nội dung cốt lõi của bài, của từng nội dung. Một trong những cách để giúp người học dễ nhớ nhất, đó là giảng viên phải biết cách lọc ra ý chính trong từng đoạn và lọc ra những từ khóa trong từng câu. Việc phân tích và học theo những từ khóa sẽ giúp người học nắm được bản chất vấn đề một cách sâu nhất và dễ nhớ nhất.

Bốn là, giảng viên cần gắn lý luận với thực tiễn trong từng nội dung, từng chuyên đề để giúp người học nắm được các nội dung kinh điển về Kinh tế chính trị của chủ nghĩa Mác, buộc giảng viên phải có ví dụ thực tiễn minh họa đối với từng nội dung. Nếu chỉ đơn thuần giảng giải lý thuyết suông, người học sẽ rất khó để hiểu bản chất vấn đề. Bên cạnh đó, những minh chứng và ví dụ thực tiễn ngày nay gắn với bài học sẽ giúp người học thấy được giá trị cũng như sức sống thời đại của Học thuyết kinh tế của C.Mác.

Mặc dù, môn học Kinh tế chính trị trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị có sự thay đổi về kết cấu, thời gian tăng lên, song nội dung cơ bản vẫn được kế thừa và có một số nội dung được viết sâu hơn, sát bối cảnh hiện nay và phù hợp với đối tượng người học. Để truyền tải môn học tới học viên một cách tốt nhất, yêu cầu giảng viên cần có sự chuẩn bị chu đáo, công phu về lý luận và thực tiễn trước khi lên lớp. Trong quá trình giảng, với kỹ năng sư phạm, giảng viên cần lưu ý sử dụng các phương pháp giảng tích cực một cách linh hoạt và sáng tạo để giúp học viên hiểu rõ bản chất vấn đề. Từ đó, xuất phát từ vị trí công tác của mình, từng đồng chí sẽ có sự vận dụng vào thực tiễn địa phương cơ sở; đề xuất những giải pháp hữu hiệu để góp phần phát triển kinh tế địa phương.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-vai-suy-nghi-ve-mon-hoc-kinh-te-chinh-tri-mac-lenin-trong-chuong-trinh-trung-cap-ly-luan-chinh-tri
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com