Thứ ba, 18.01.2022 GMT+7

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY TRỰC TUYẾN HIỆN NAY

Dạy học trực tuyến (E-learning) là xu thế của giáo dục hiện đại, phù hợp yêu cầu của sự phát triển khoa học - công nghệ và quá trình chuyển đổi đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Hiện nay, dạy học trực tuyến được áp dụng ở nhiều cấp học, với nhiều đối tượng và chương trình khác nhau, giúp đa dạng hóa các mô hình học tập và đáp ứng tối đa nhu cầu của người học. Phạm vi bài viết tập trung đề cập hình thức dạy học trực tuyến trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ.

Trong những năm qua, để chủ động thích ứng với tình hình đại dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã nhanh chóng chuyển đổi nhiều hoạt động từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến, bao gồm cả hoạt động dạy và học đối với các lớp đào tạo và bồi dưỡng thông qua phần mềm Microsoft Teams. 

Với sự phối hợp, hướng dẫn chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các công việc phục vụ cho mục đích chuyển đổi hình thức dạy học đã được triển khai đồng bộ từ công tác tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm đến nâng cấp đường truyền mạng internet, xây dựng quy chế dạy học trực tuyến, lập và quản lý tài khoản, quản lý học viên… Nhờ sự chỉ đạo sát sao, khẩn trương của Ban Giám hiệu nhà trường, đến nay, việc dạy học trực tuyến đã đi vào nền nếp, các hoạt động chuyên môn được duy trì thường xuyên, giúp nhà trường thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong điều kiện bình thường mới. 

Đối với hình thức dạy học trực tiếp, giữa giảng viên và học viên có sự tương tác trực tiếp, trong một không gian tập trung, dễ kiểm soát. Việc tổ chức lớp học cũng như hoàn thành các mục tiêu bài giảng được thực hiện tương đối hiệu quả. Nhờ giao tiếp trực tiếp, giảng viên có thể đánh giá được đối tượng người học và các điều kiện cụ thể khác để chủ động điều chỉnh phương pháp dạy học, tăng giảm lượng thông tin trao đổi hoặc mức độ tương tác một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, yêu cầu của công tác giảng dạy lý luận chính trị là giảng viên không chỉ trang bị kiến thức, hình thành kỹ năng mà còn phải định hướng tư tưởng chính trị đúng đắn, thúc đẩy tính tích cực hành động cho học viên. Quá trình tác động tư tưởng, tình cảm sẽ được thực hiện hiệu quả hơn khi có sự giao tiếp trực tiếp giữa người dạy và người học.

Hình thức dạy học trực tiếp cũng giúp học viên có ý thức kỷ luật, có tâm thế học tập tốt, ít bị chi phối bởi các yếu tố khác. Việc theo dõi bài giảng và tương tác với giảng viên cũng dễ thực hiện trong không gian thực.

Đối với hình thức dạy học trực tuyến, toàn bộ quá trình tổ chức, quản lý lớp học đều thông qua phần mềm dạy học. Sự tương tác giữa giảng viên và học viên mang tính gián tiếp. Nhiều phương pháp dạy học, kỹ năng sư phạm và các biện pháp nhằm thay đổi không khí lớp học, lấy lại sự tập trung hoặc tạo cảm xúc, hứng thú học tập, như sử dụng ngôn ngữ cơ thể, phương pháp nêu ý kiến ghi bảng, phương pháp chuyên gia, sàng lọc phiếu… bị hạn chế đáng kể trong hình thức dạy học trực tuyến. Yếu tố tạo nên sự thu hút đối với người học do đó phần lớn phụ thuộc vào tính hấp dẫn của nội dung và cách triển khai, thiết kế bài giảng.

Tính chất tương tác ảo cũng hạn chế việc giảng viên phân tích, mở rộng các vấn đề. Do đó, khả năng tự học, tự nghiên cứu của học viên là yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng bài giảng.

Những đặc trưng của hình thức dạy học trực tuyến như trên đòi hỏi sự thay đổi tương ứng về quy chế, quy trình quản lý; các yêu cầu về phương tiện kỹ thuật, công nghệ; phương pháp dạy - học…

Qua một thời gian thực hiện, nhà trường và đội ngũ giảng viên, học viên đã đáp ứng được những yêu cầu của việc dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng mới chỉ ở mức độ cơ bản nhất. Có một số vấn đề đang đặt ra như cơ sở vật chất và các phương tiện hỗ trợ chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; việc ứng dụng phần mềm mới chỉ dừng lại ở khâu dạy học, chưa phủ hết toàn bộ các khâu trong quy trình đào tạo; giảng viên chưa khai thác tối đa các tính năng của phần mềm dạy học; phương pháp dạy học chưa chuyển đổi phù hợp với hình thức trực tuyến; khả năng tự học và tính tự giác của một số học viên còn hạn chế… 

Để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, khắc phục những bất cập trên, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao năng suất làm việc trong ứng dụng Microsoft Teams

Microsoft Teams là phần mềm có nhiều tính năng có thể phục vụ đắc lực cho công tác dạy học. Tuy nhiên, trong sử dụng phần mềm này, giảng viên và học viên mới dừng lại ở một số tính năng cơ bản là tổ chức cuộc họp, chia sẻ màn hình... Cách dạy và học trong hình thức trực tiếp được áp dụng gần như nguyên vẹn cho hình thức học trực tuyến, vô hình chung làm hạn chế việc đổi mới phương pháp dạy học. Vì vậy, giảng viên cần mở rộng khai thác các tính năng khác của phần mềm Microsoft Teams để nâng cao năng suất, hiệu quả giờ giảng. Có một số tính năng hữu ích nhưng hiện nay chưa được chú trọng khai thác như tạo bài tập, giao bài tập thi, kiểm tra, chấm điểm, chia sẻ tài liệu, lên lịch hoặc tạo nhóm trong giờ học. Bên cạnh đó, có thể kết hợp sử các các công cụ khác để thực hiện điểm danh online, đảm bảo nhanh chóng, chính xác và có thể thực hiện lặp lại nhiều lần khi cần thiết.

Thứ hai, đổi mới cách thiết kế bài học và phương pháp giảng dạy

Với bất kỳ hình thức dạy học nào, tính khoa học, súc tích, sinh động của cách thức trình bày và nội dung bài học luôn là yếu tố quan trọng. Đặc trưng của môi trường tương tác khiến yêu cầu này càng trở nên cần thiết trong dạy học trực tuyến.

Để tạo nên sự cuốn hút của bài giảng, trước hết giảng viên cần chú ý tới tính thẩm mỹ của các slide trong bài giảng. Một slide đẹp luôn có sự bố trí, kết hợp hài hòa giữa nội dung với màu sắc, hình khối, sơ đồ và hình ảnh. Mỗi yếu tố phải đảm tuân thủ những yêu cầu nhất định để đem lại hiệu quả tối ưu về thị giác, thể hiện rõ ý tưởng của người dạy. Riêng nội dung hiển thị (phần word) phải là kiến thức cốt lõi, được diễn đạt ngắn gọn nhất có thể. Bên cạnh đó, cần kết hợp sử dụng các file video, audio, ảnh động… một cách phù hợp, có chọn lọc.

Tính ngắn gọn của nội dung bài giảng tất yếu đòi hỏi giảng viên phải có phương pháp phù hợp để gợi mở vấn đề, kích thích tư duy độc lập và khả năng tự học của học viên. Trong điều kiện rất nhiều phương pháp dạy học trực tiếp không thể sử dụng trong hình thức trực tuyến, giảng viên cần tăng cường giao bài tập, tổ chức cho học viên làm việc nhóm trên phần mềm Microsoft Teams. Với những môn học có thể thông qua giải quyết tình huống để truyền đạt kiến thức thì cần tích cực xây dựng tình huống đưa vào bài giảng. Cách đưa ra các tình huống cũng cần sinh động, có thể kết hợp sử dụng hình ảnh, video hoặc sơ đồ để tóm tắt, mô phỏng tình huống.

Thứ ba, tăng cường tập huấn phương pháp dạy học trực tuyến và kỹ năng công nghệ thông tin cho giảng viên

Đây là giải pháp quan trọng, là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt hai giải pháp trên. Hiện nay, đội ngũ giảng viên nhà trường đều được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, có kinh nghiệm và kỹ năng giảng dạy. Mặc dù vậy, giảng viên vẫn chưa được tập huấn nhiều về phương pháp dạy học trực tuyến và các kỹ năng về công nghệ thông tin. Đáng chú ý, khi thiếu kỹ năng công nghệ thông tin sẽ trực tiếp cản trở tính sáng tạo trong thiết kế bài giảng và đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên. Vì vậy, cần chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ theo hướng đáp ứng yêu cầu của hình thức dạy học trực tuyến, trước hết là kỹ năng khai thác tối đa ứng dụng Microsoft Teams và các kỹ năng phục vụ thiết kế bài giảng điện tử.

Thứ tư, nâng cao tính tích cực, tự giác học tập của học viên

Hiện nay, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đang đổi mới mạnh mẽ về nội dung, chương trình, hướng đến phát huy hơn nữa vai trò chủ động của người học. Điều này đặc biệt phù hợp với hình thức học trực tuyến, khi cách thiết kế bài giảng và phương pháp dạy của giảng viên đã có sự điều chỉnh. Do vậy, học viên cần chủ động nghiên cứu giáo trình, tài liệu, hoàn thành bài tập được giao và tích cực tham gia xây dựng bài. Với sự hướng dẫn của giáo viên, học viên cần nâng cao kỹ năng sử dụng phần mềm Microsoft Teams, thành thạo các thao tác, sẵn sàng phối hợp khi giảng viên triển khai các phương pháp dạy học tích cực.

Mặt khác, học viên cần chủ động sắp xếp công việc, không để bị chi phối trong quá trình học; chuẩn bị tốt các điều kiện, phương tiện phục vụ học tập như máy tính, điện thoại thông minh, mạng internet…

Thứ năm, đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật và sự đồng bộ về phương tiện phục vụ dạy học.

Tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các hội trường lớp học, trang bị thêm các phương tiện như tai nghe - micrô, đèn bàn, bố trí bộ phận kỹ thuật chuyên nghiệp, không chỉ phục vụ cho công tác phối hợp quản lý học viên trong giờ học mà còn hướng tới mở rộng phạm vi ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quy trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong tương lai.

Tóm lại, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hình thức dạy học trực tuyến, đòi hỏi phải có sự quan tâm của nhà trường, sự nỗ lực thích ứng của giảng viên và học viên. Qua thời gian triển khai cho thấy đây là hướng đi đúng, giúp nhà trường thực hiện tốt mục tiêu vừa đảm bảo hoạt động chung, vừa thực hiện tốt kế hoạch giảng dạy, học tập.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-giai-phap-nham-nang-cao-chat-luong-giang-day-truc-tuyen-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com