Thứ tư, 12.01.2022 GMT+7

TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ CHUẨN NGHÈO ĐA CHIỀU GIAI ĐOẠN 2021-2025 CỦA CHÍNH PHỦ

Ngày 27/01/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, thay thế cho Quyết định 59 đã được ban hành từ năm 2015. Nghị định số 07/2021 nêu rõ: Từ năm 2022 hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - thương binh - xã hội, cùng với việc thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ nghèo cả nước đã giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,75% (năm 2019), bình quân giảm 1,53%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là 1-1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều có xu hướng giảm mạnh hơn trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung, từ 24,4% (năm 2015) xuống còn 6,83% (năm 2019). Số lượng hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được giảm mạnh sau 4 năm (đặc biệt là số lượng hộ nghèo thiếu hụt chỉ số nhà tiêu hợp vệ sinh, chỉ số nước hợp vệ sinh, chỉ số chất lượng nhà ở giảm từ 40-50%). Sau nhiều năm thực hiện giảm nghèo, Việt Nam cơ bản đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Năm 1999, Việt Nam chuyển từ chính sách giảm nghèo cấp, cho không chuyển sang giảm nghèo theo thu nhập. Năm 2015 đến nay, Việt Nam chuyển sang giảm nghèo đa chiều. Tỷ lệ hộ nghèo qua các giai đoạn giảm liên tục. Mặc dù đạt được những thành tựu cơ bản nhưng công tác giảm nghèo vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại cũ. Giảm nghèo chưa bao phủ quyền cơ bản của con người, chưa tính tới vấn đề việc làm và Bảo hiểm xã hội. Cách tiếp cận đối tượng nghèo dựa trên 2 nhóm đối tượng là nghèo thu nhập, nghèo đa chiều khiến cho hoạt động giảm nghèo chưa thống nhất.

Do đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai thực hiện trên toàn quốc. Một trong những nội dung mới, căn bản quan trọng nhất chính là điều chỉnh chuẩn nghèo đa chiều trong tiêu chí thu nhập. Thay vì chuẩn nghèo tính thu nhập cũ, giờ đây thu nhập sẽ được đề xuất nâng lên dựa trên mức chuẩn tối thiểu mới, bắt đầu tính mốc từ năm 2022.

Nghị định đưa ra các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021 và giai đoạn 2022 - 2025 được quy định cụ thể như sau:

Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021: Từ ngày 01/01/2021, tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025: Các tiêu chí đo lường gồm: Tiêu chí thu nhập: Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng. Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, gồm 06 dịch vụ: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025: Chuẩn hộ nghèo: Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên ở khu vực nông thôn; hoặc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên ở khu vực thành thị. Chuẩn hộ cận nghèo: Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản ở khu vực nông thôn; hoặc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản ở khu vực thành thị. Chuẩn hộ có mức sống trung bình: Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng ở khu vực nông thôn; hoặc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng ở khu vực thành thị.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tim-hieu-mot-so-quy-dinh-ve-chuan-ngheo-da-chieu-giai-doan-2021-2025-cua-chinh-phu
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com