Thứ ba, 28.12.2021 GMT+7

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ SOẠN GIẢNG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT

Ngày 21/01/2021, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 292-QĐ/HVCTQGH về ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) thay thế Quyết định số 1479-QĐ/HVCTQG ngày 21/4/2014 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về ban hành Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Quyết định số 3136-QĐ/HVCTQG ngày 14/7/2016 và Quyết định số 8008-QĐ/HVCTQG ngày 24/12/2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về điều chỉnh Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính.

Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) năm 2021 phù hợp với giai đoạn phát triển mới hiện nay ở nước ta; chương trình đã kế thừa những nội dung của bộ giáo trình của Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính trước kia và có sự điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Bộ giáo trình mới đã được biện soạn khoa học, sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn phát triển ở nước ta. Nhiều nội dung trong các môn học đã có sự cập nhật các quan điểm, nội dung mới theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các chính sách, pháp luật mới của Nhà nước. 

Do đó, để tạo thống nhất trong giảng dạy, việc soạn giáo án và thông qua bài giảng của giảng viên là yêu cầu bắt buộc đối với các khoa chuyên môn và mỗi giảng viên trước khi lên lớp. Trong phạm vi bài viết này, xin trao đổi về những thuận lợi, khó khăn và cách thức nghiên cứu, soạn bài mới do Khoa Nhà nước và pháp luật đảm nhận.

Khoa Nhà nước và pháp luật được phân công 3 môn học, đó là môn: Nội dung cơ bản về Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Quản lý hành chính nhà nước, Kỹ năng lãnh đạo, quản lý; trong đó, môn Kỹ năng lãnh đạo, quản lý là môn lần đầu khoa đảm nhận toàn bộ môn học. Qua nghiên cứu các môn học có những thuận lợi, khó khăn sau:

Về thuận lợi: Cả 3 môn học khoa được phân công đều thuộc chuyên môn chính và chuyên môn gần của các giảng viên, vì thế trong quá trình nghiên cứu và soạn giảng giảng viên dễ tiếp cận các nội dung. Các giảng viên trong khoa có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, nên cách thức, phương pháp soạn giảng đã nhuần nhuyễn, vì thế mặc dù có sự chỉnh sửa về nội dung và thời gian mỗi bài giảng, các giảng viên vẫn đảm nhận và thực hiện tốt các bài giảng của mình. Số tiết các bài giảng cụ thể trong các môn học đều tăng hơn so với đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (tăng từ 4 đến 12 tiết), tạo thuận lợi cho giảng viên sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy tích cực vào bài giảng, gắn lý luận và thực tiễn để làm rõ nội dung lý luận. Nội dung các bài có sự bổ sung và cập nhật những chủ trương, chính sách mới, nên tạo thuận lợi cơ bản trong soạn giảng và giảng dạy của các giảng viên, khắc phục được được những khó khăn của các bài giảng trước đây, đó là: dung lượng kiến thức nhiều nhưng thời gian giảng lại ít, giảng viên phải rút gọn các nội dung để đảm bảo thời lượng của các bài giảng. 

Về khó khăn: Trong các môn do khoa đảm nhận, có một môn mới đó là môn Kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Mặc dù trước đây các giảng viên trong khoa đã đảm nhận giảng một số bài của môn học nhưng qua nghiên cứu thì một số bài có sự tiếp cận mới hơn so với trước; trong khi đó tại các buổi tập huấn Chương trình Trung cấp lý luận chính trị này đã có sự tranh luận và quan điểm khác nhau giữa giảng viên của các Trường Chính trị với giảng viên giới thiệu môn học. Đa số giảng viên trong khoa và giảng viên kiêm chức chưa được tập huấn nhiều về môn học Quản lý hành chính nhà nước và đặc biệt là môn Kỹ năng lãnh đạo, quản lý, vì thế sẽ tốn nhiều thời gian cho việc nghiên cứu tài liệu, soạn giảng hơn. Số tiết các bài tăng lên là thuận lợi nhưng cũng là khó khăn, thách thức cho các giảng viên trong soạn giảng, đó là phải cân đối lại thời gian, cách tiếp cận cho phù hợp với từng bài. Trong chương trình mới không có tiết dành riêng cho buổi thảo luận và hệ thống môn học. Nhiều học viên học chính trị còn thụ động nên chưa tích cực trong việc phối hợp với giảng viên thực hiện các phương pháp giảng dạy tích cực.

Do đó, khi nghiên cứu và soạn giảng các môn học thuộc Chương trình Trung cấp lý luận chính trị, các giảng viên cần phải: 

Một là, trước khi soạn bài, cần nghiên cứu kỹ nội dung, tập hợp các tài liệu liên quan đến nội dung của từng bài để chuẩn bị cho việc soạn giảng. Thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu những chủ trương, chính sách, pháp luật mới để cập nhật, bổ sung vào bài giảng.

Hai là, đối với những bài nội dung có đánh giá thực trạng một vấn dề hay lĩnh vựa nào đó thì cần nghiên cứu kỹ và thu thập những thông tin mới để làm rõ nội dung vấn đề đưa ra, có số liệu, dẫn chứng minh họa; đồng thời thường xuyên bổ sung những nghiên cứu, các đánh giá mới của cơ quan chức năng vào bài giảng, vì nếu chỉ thụ động theo những kết quả, hạn chế trong giáo trình thì bài giảng sẽ không mang tính cập nhật, không kích thích được tư duy, sáng tạo của học viên.

Ba là, những bài giảng có nội dung ngắn, cô đọng, giảng viên cần phân tích kỹ hơn và có thể mở rộng thêm nội dung kiến thức liên quan hoặc những kiến thức mới mà giáo trình chưa cập nhật vào bài giảng. Tuy nhiên, cần lưu ý việc lựa chọn nội dung bổ sung cập nhật phải có tính mới, có cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn rõ ràng.

Bốn là, trong soạn giảng, cần sử dụng nhiều phương pháp tích cực và trực quan sinh động. Trước kia do thời gian từng bài giảng ít nên giảng viên thường ngại sử dụng phương pháp, hoặc nếu có thì chủ yếu là hỏi - đáp, phát vấn. Trong soạn giảng các bài trong chương trình mới này có thể sử dụng thêm phương phương pháp như: thảo luận nhóm, sàng lọc, nêu ý kiến lên bảng, tình huống... Để thực hiện nhiều phương pháp, mỗi giảng viên cần phải nắm vững kiến thức chuyên môn và nhuần nhuyễn các phương pháp để sử dụng phương pháp phù hợp với nội dung từng phần trong từng bào giảng

Năm là, trong Chương trình mới không có buổi thảo luận và hệ thống môn học, nên trong quá trình soạn giảng, các giảng viên cần lồng ghép giảng lý thuyết với thực tiễn và đồng thời cho học viên tập liên hệ nội dung kiến thức lý luận với thực tiễn tại địa phương, đơn vị công tác.

Nhìn chung, Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) năm 2021 có nhiều thay đổi, khắc phục những bất cập trong các môn học do Khoa Nhà nước và pháp luật đảm nhận thuộc Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Qua đó, tạo nhiều thuận lợi cho mỗi giảng viên trong việc soạn giảng và giảng dạy những bài được phân công, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của giảng viên. 

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-vai-suy-nghi-ve-soan-giang-chuong-trinh-trung-cap-ly-luan-chinh-tri-tai-khoa-nha-nuoc-va-phap-luat
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com