Thứ hai, 27.12.2021 GMT+7

PHÚ THỌ - CHẶNG ĐƯỜNG 25 NĂM TÁI LẬP (01/01/1997 – 01/01/2022)

Phú Thọ là vùng đất cổ, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, nơi có bề dày truyền thống lịch sử và văn hiến. Trải qua hàng nghìn năm, từ khi Vua Hùng dựng nước Văn Lang cho đến ngày nay, với nhiều biến cố lịch sử, thay đổi về tên gọi địa danh và địa giới hành chính; nhưng đại bộ phận đất đai tỉnh Phú Thọ xưa và nay vẫn nằm trong một cương vực nhất định. Thời Hùng Vương, địa bàn tỉnh Phú Thọ nằm trong Bộ Văn Lang, trung tâm của nước Văn Lang. Thời Thục An Dương Vương với Nhà nước u Lạc, Phú Thọ nằm trong huyện Mê Linh. Dưới thời Bắc thuộc (từ năm 111 trước Công nguyên đến thế kỷ X), Phú Thọ nằm trong huyện Mê Linh, huyện Tân Xương và huyện Phong Châu.

Sau khi đánh chiếm Bắc Kỳ, xâm lược toàn bộ Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Ngày 08/9/1891, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Hưng Hóa mới - tiền thân của tỉnh Phú Thọ ngày nay. Ngày 05/5/1903, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định chuyển tỉnh lỵ của tỉnh Hưng Hóa lên làng Phú Thọ thuộc tổng Yên Phú, huyện Sơn Vi và từ đây tỉnh Hưng Hóa đổi tên thành tỉnh Phú Thọ. Ngày 26/01/1968, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504 về việc hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú và quyết định thành phố Việt Trì là tỉnh lỵ của Vĩnh Phú.

Sau 29 năm hợp nhất, tỉnh Phú Thọ được tái lập từ ngày 01/01/1997 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa IX. Hiện nay, tỉnh Phú Phọ có diện tích tự nhiên 353.455,61 ha, gồm 13 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 01 thành phố, 01 thị xã và 11 huyện) với 225 đơn vị hành chính cấp xã; dân số trên 1,4 triệu người, gồm 50 dân tộc. Đảng bộ tỉnh Phú Thọ có 18 đảng bộ trực thuộc với 693 chi, đảng bộ cơ sở và trên 106 nghìn đảng viên.

Từ khi tái lập đến nay, chặng đường 25 năm với nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự phấn đấu nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Phú Thọ đã và đang tiếp tục có những bước phát triển rất vững chắc, khẳng định vị thế trong khu vực. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu cụ thể, quyết tâm bứt phá để đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Mục tiêu này thể hiện niềm tin, động lực, khí thế mới của toàn tỉnh. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, Phú Thọ đã vươn mình trở thành tỉnh phát triển toàn diện, trong tốp đầu của khu vực Trung du miền núi phía Bắc với tốc độ tăng trưởng luôn duy trì cao hơn bình quân trung của cả nước. Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước: Giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế của tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 7,86% (nhiệm kỳ trước đạt 6,95%). Năm 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,28%; tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so năm 2020; tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 7.506,9 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Sản xuất công nghiệp; nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, cơ cấu nội bộ ngành từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành mục tiêu đề ra trước 3 năm, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có được 114/225 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt nông thôn mới nâng cao (xã Thanh Minh - thị xã Phú Thọ); bình quân đạt 15,9 tiêu chí/xã; 1.282 khu dân cư đạt chuẩn NTM (trong đó có 10 khu dân cư NTM kiểu mẫu); huyện Lâm Thao và huyện Thanh Thủy đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Nhờ đẩy mạnh phong trào xây dựn NTM, cơ sở hạ tầng phát triển, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, mang lại diện mạo mới cho nông thôn.

Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia; năm 2021 Phú Thọ đứng thứ 12/63 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu cao của cả nước; giá trị nhập khẩu ước đạt 8 tỷ USD. Hạ tầng thương mại, chất lượng dịch vụ từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Đã tích cực chỉ đạo, đầu tư xây dựng Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng trở thành Khu Du lịch Quốc gia gắn với phát huy giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Khu Du lịch suối nước nóng Thanh Thủy và Khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ - Hạ Hòa trở thành khu, điểm du lịch địa phương; thành phố Việt Trì từng bước trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam...Tiếp tục duy trì các phong trào thể dục, thể thao quần chúng; chú trọng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Chú trọng công tác huấn luyện, tập luyện thể thao thành tích cao; triển khai sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đăng cai một bảng môn bóng đá nam SEA Games 31 năm 2022.  Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, quy mô, mạng lưới trường, lớp học được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường và sắp xếp tinh gọn, từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Công tác chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ dạy và học trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đảm bảo linh hoạt, phù hợp theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đạt nhiều kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn. Đặc biệt, việc tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã đã được tỉnh thực hiện đúng lộ trình đề ra. Đến tháng 1/2020, tỉnh đã hoàn thành sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 đơn vị cấp huyện. Sau sắp xếp, toàn tỉnh còn 225 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 52 đơn vị (bằng 18,77%) so với trước khi sắp xếp. Công tác cán bộ được coi trọng, nhiều chủ trương, giải pháp về công tác cán bộ được cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, bảo đảm dân chủ, chặt chẽ. Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp tiếp tục được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh trong tình hình mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Phú Thọ vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu bền vững. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và môi trường đầu tư chưa có đột phá, chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút được nhiều dự án lớn và nhà đầu tư có năng lực. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các thiết chế trong lĩnh vực văn hóa, thể thao còn ở mức thấp. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa bàn cơ sở, tội phạm và tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Việc cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng tại một số tổ chức đảng chưa sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn nhiều khó khăn. Vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hiệu qủa chưa cao...

Bước vào giai đoạn 2020 - 2025 với nhiều khó khăn, thách thức song cũng đứng trước cơ hội và thời cơ mới, Phú Thọ đặt mục tiêu tập trung thực hiện khâu đột phá về “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh”; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 7,5%/năm trở lên; cơ cấu kinh tế năm 2025 chuyển dịch công nghiệp - xây dựng 40,5%, dịch vụ 41,5%, nông - lâm nghiệp - thủy sản 18%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 160 nghìn tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2025 đạt trên 10 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 22% trở lên. Giai đoạn 2021 - 2025 Phú Thọ phấn đấu toàn tỉnh có 139/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 1.736/2.040 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới; 6/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2025, Phú Thọ trở thành một trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; là thành phố hiện đại, thông minh, địa chỉ hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên. Đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ trở thành trung tâm kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; thành phố Việt Trì trở thành trung tâm lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, địa danh mang tính biểu tượng hội tụ tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhìn lại chặng đường 25 năm sau khi tái lập, vượt qua nhiều khó khăn, Phú Thọ đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Những thành tựu đó đã góp phần bồi đắp thêm lòng tự hào về giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa, Anh hùng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên quê hương Đất Tổ. Là động lực để tỉnh viết tiếp trang sử vẻ vang, xây dựng Phú Thọ thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. 

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=phu-tho-chang-duong-25-nam-tai-lap-01011997-01012022
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com