Thứ tư, 22.12.2021 GMT+7

CHÍNH SÁCH ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết dân tộc luôn có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, chính sách dân tộc của Việt Nam luôn được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, các nguyên tắc và định hướng về dân tộc tiếp tục được khẳng định và bổ sung nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trước hết, Văn kiện Đại hội XIII vẫn tiếp tục khẳng định các nguyên tắc trong quan hệ dân tộc ở Việt Nam, đó là “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” (1). Cần thực hiện nguyên tắc tôn trọng giữa các dân tộc ở Việt Nam vì 54 dân tộc ở nước ta chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội; mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng nên trong quá trình phát triển phải tôn trọng lợi ích và bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc. Trước đây, văn kiện Đại hội Đảng thường khẳng định các dân tộc đoàn kết, bình đẳng; nhưng hiện nay, đặc biệt, văn kiện Đại hội XIII đã  đặt “bình đẳng” trước “đoàn kết”; vì bình đẳng là cơ sở để thực hiện đoàn kết dân tộc. Bình đẳng dân tộc là bảo đảm và tạo mọi điều kiện để các dân tộc có cơ hội phát triển ngang nhau; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Do đó, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trường, chính sách phát triển kinh tế - xã hội chung cho cả nước, đồng thời cũng ban hành những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đặc thù cho các dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số.

Về định hướng công tác dân tộc, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định tính toàn diện của chính sách dân tộc. Đảng ta chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”(2).

Để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần bố trí, huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý có hiệu quả các nguồn lực; trong đó chú trọng phát huy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số; đây được coi là điều kiện quan trọng để giảm nghèo bền vững. Chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, bên cạnh việc hỗ trợ về vật chất, đã chú trọng hỗ trợ về cơ hội, điều kiện phát triển như: Hỗ trợ đi học, hỗ trợ và đào tạo nghề, giới thiệu việc làm hay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm làm ra. Điều này sẽ góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy nội lực để sử dụng có hiệu quả nguồn lực.

Trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, Đảng ta còn chú ý đến tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc thù không chỉ là khác biệt giữa dân tộc đa số và thiểu số mà ngay giữa các dân tộc thiểu số cũng có những đặc thù riêng. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng, trung du hay ở vùng núi cao, miền biển có nét riêng khác nhau. Việc áp dụng các chính sách cụ thể cho từng vùng đồng bào dân tộc là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự đổi mới trong nhận thức của Đảng về sự công bằng trong phát triển giữa các dân tộc và các vùng, miền; đảm bảo cho chính sách phù hợp với từng dân tộc thiểu số và được tổ chức thực thi có hiệu quả.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện quan điểm mới về giảm nghèo  đó là giảm nghèo đa chiều, bền vững và bao trùm. Trước tình trạng tái nghèo còn cao thì việc giảm nghèo bền vững phải được đặt ra. Giảm nghèo đa chiều thì tiêu chí không chỉ là thu nhập mà còn có nhiều tiêu chí khác. Giảm nghèo bao trùm nghĩa là ở tất cả mọi người, mọi nơi. Để thực hiện được giảm nghèo đa chiều, bền vững và bao trùm thì phải tăng cường nội lực, nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì hết hỗ trợ lại có thể tái nghèo. Chính sách dân tộc không chỉ giải quyết vấn đề kinh tế mà còn hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội vì con người; tạo điều kiện cho mọi người nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hoà nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Chính sách dân tộc còn cần phải quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với những nhận thức mới về công tác dân tộc  góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy cao độ nguồn lực, sức mạnh của nhân dân để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, tiếp tục xây dựng đất nước phát triển, xã hội phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 

* Chú thích:

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, tập 1, tr.170.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=chinh-sach-doan-ket-dan-toc-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com