Thứ năm, 16.12.2021 GMT+7

LỜI KÊU GỌI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN – BÀI HỌC VỀ KHƠI DẬY, TẬP HỢP VÀ PHÁT HUY SỨC MẠNH TOÀN DÂN

Cách đây 75 năm, ngày 19/12/1946, để bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước, thay mặt Chính phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi thiêng liêng của Người như một lời hịch của non sông đất nước có tác dụng cổ vũ, thôi thúc và động viên toàn dân nhất tề đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Hơn bảy thập kỷ đã qua, nhưng Lời kêu gọi thiêng liêng đó vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay. Chỉ với hơn 200 từ nhưng rất súc tích cô đọng, Lời kêu gọi đã thể hiện những tư tưởng lớn có giá trị sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam, trong đó có bài học về khơi dậy, tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài cấu kết chặt chẽ với nhau, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những chủ trương, quyết sách quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là việc xây dựng chế độ xã hội mới thật sự thuộc về Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Chính sự ủng hộ, niềm tin tưởng tuyệt đối của nhân dân đối với chính quyền mới tạo thành sức mạnh to lớn để nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa non trẻ từng bước khắc phục khó khăn, đảm bảo giữ vững thành quả cách mạng. 

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, tư tưởng “coi dân là gốc”, là nguồn sức mạnh “vô tận” của cách mạng Việt Nam tiếp tục được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.       

“Hỡi đồng bào!

 Chúng ta phải đứng lên!

  Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước… Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”(1)

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày quan điểm “chiến tranh toàn dân” một cách vô cùng giản dị. “Toàn dân” theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là toàn dân tộc. Có thể nói, nét độc đáo, đặc sắc nhất trong đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng quân sự Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở hai chữ “toàn dân”. Tiếp theo Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là văn kiện thứ hai mang tính cương lĩnh quân sự về kháng chiến toàn dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc “toàn dân đánh giặc”.

  Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên kháng chiến với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Ngày 20-12-1946, tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội), đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp chính thức bùng nổ

  Với chủ trương mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ, cùng với Thủ đô Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, từ Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương… đến Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp. Cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh với niềm tin tất thắng. Cuộc chiến đấu quyết liệt anh dũng của quân và dân ta trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã giành được những thắng lợi quan trọng, làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc Pháp phải thay đổi chiến lược chuyển sang “đánh lâu dài”. Đó chính là cuộc kháng chiến toàn dân, huy động sức mạnh toàn dân và mục đích của kháng chiến cũng xác định rất rõ, là đấu tranh để giành độc lập, thống nhất hoàn toàn cho dân tộc. Lời kêu gọi đã hiệu triệu, động viên và khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc để chúng ta làm nên những thắng lợi bước đầu, tạo nền tảng cho những chiến công oanh liệt về sau, đi đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

75 năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài, khẳng định được vị thế của mình trong khu vực và thế giới, nhưng Lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc với ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị, vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng và toàn thể dân tộc, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào kề vai sát cánh, chung sức, đồng lòng xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kháng chiến toàn dân, trong công cuộc đổi mới đất nước, đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của nhân dân ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu của cách mạng nước ta là “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa(2). Mục tiêu đó cũng chính là đích đến, là điểm hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với việc xác định mục tiêu, Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra các chủ trương và 4 giải pháp chủ yếu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc gồm:

Một là, thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo điều kiện cho mọi giai cấp, tầng lớp xã hội phát triển vững mạnh. 

Hai là, Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ba là, Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Bốn là, Giải quyết tốt các mối quan hệ, thu hẹp những khác biệt giữa các bộ phận xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những quan điểm, chủ trương toàn diện về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cơ sở để khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta không ngừng được củng cố, tăng cường, trở thành một trong những yếu tố quyết định sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường và giàu mạnh.

* Chú thích: 

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.534.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=loi-keu-goi-toan-quoc-khang-chien-bai-hoc-ve-khoi-day-tap-hop-va-phat-huy-suc-manh-toan-dan
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com