Thứ năm, 09.12.2021 GMT+7

TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID – 19 ĐẾN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng một cách toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới và hiện vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh dịch bệnh, các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng khủng hoảng, suy thoái sâu nhất trong nhiều thập kỷ qua. Do tác động của các biện pháp phong tỏa, các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, kéo theo sự giảm mạnh cả ở tổng cầu và tổng cung trong tất cả các ngành kinh tế và làm thay đổi nhu cầu - cấu trúc tiêu dùng xã hội và tâm lý tiêu dùng về mọi mặt.

Trong nước, trước những diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ xác định phải tập trung khai thác tối đa thị trường trong nước kết hợp với các biện pháp phòng chống dịch bệnh và ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ những biện pháp kịp thời, hiệu quả trong kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19 và các gói hỗ trợ mà kinh tế Việt Nam đã dần phục hồi, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. 

Năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 2,91%/năm – thấp nhất trong 35 năm đổi mới; Tuy nhiên, nước ta vẫn được xếp là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất năm 2020 và là một trong 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới - đây là một thành công lớn của nước ta.

 Năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ kép, phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế nên 6 tháng đầu năm, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,96%. Tuy nhiên, quý III tăng trưởng kinh tế âm 6,7% nên 9 tháng năm 2021, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,42% và dự kiến cả năm vẫn đạt tăng trưởng dương nhưng không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nhiều bởi các biện pháp khoanh vùng và cách ly xã hội nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng nhưng đều có dấu hiệu phục hồi, bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới. 9 tháng đầu năm 2021, với mức tăng 1,42% của toàn nền kinh tế, thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, đồng thời duy trì nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch. Các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu nhiều tác động nhất từ dịch Covid-19. Một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao, điển hình như các ngành: Hàng không; dịch vụ lưu trú, du lịch, ăn uống; giáo dục và đào tạo; các ngành dệt may, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỷ lệ ảnh hưởng cao. Dịch vụ, du lịch là ngành phản ánh rõ nét nhất các ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, có mức sụt giảm mạnh, chủ yếu do việc hạn chế đi lại và giãn cách xã hội. 

Chúng ta cũng đảm bảo cân đối trong phối hợp điều hành giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Tỷ giá cơ bản ổn định, lãi suất giảm, hoạt động của hệ thống ngân hàng ổn định. Giống như nhiều nền kinh tế khác, mặt bằng lãi suất của Việt Nam trong năm 2020 cũng giảm mạnh hỗ trợ nền kinh tế sớm hồi phục sau dịch bệnh.

Xuất khẩu vượt khó trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2020, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%

Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam 9 tháng đầu năm nay đạt gần 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tuy giảm so với giai đoạn trước, nhưng trong bối cảnh chuỗi cung ứng đứt gãy và dịch Covid-19 lan rộng, thì đây là một thành tích đáng khích lệ.

Hội nhập quốc tế và đối ngoại đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam cũng đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA-41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc; đồng thời đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với các nước, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Bên cạnh kết quả tăng trưởng đạt được trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Với độ mở lớn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên mọi biến động của tình hình thế giới đều tác động đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội nước ta.

Đặc biệt, từ ngày 27 - 4 đến nay, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam với chủng mới Delta đã gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội, được đánh giá là khốc liệt hơn gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước. Đợt dịch này đã tấn công vào khu kinh tế trọng tâm phía Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội,…), các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An,…) và lan ra các tỉnh trên cả nước. Tác động của đợt bùng phát thứ tư được đánh giá là từ "ảnh hưởng tiêu cực" thay đổi thành "ảnh hưởng nặng nề". Sản xuất công nghiệp giảm mạnh, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng cao, tạo ra những điểm đứt gãy trong các chuỗi cung ứng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 năm 2021 giảm sâu, sức tiêu dùng trong nước có những tín hiệu không mấy khả quan do việc áp dụng giãn cách xã hội tại nhiều địa phương và sản xuất, tiêu dùng dừng đột ngột tại nhiều thành phố lớn. 

Đối với tỉnh Phú Thọ, đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được khống chế, kiểm soát tốt, cơ bản không để dịch xảy ra trên diện rộng và lây lan trong cộng đồng. Các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh cơ bản diễn ra theo kế hoạch. Tỉnh đã có nhiều giải pháp linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, chủ động ứng phó với dịch bệnh; do đó, kinh tế năm 2021 của tỉnh đã được phục hồi so với cùng kỳ ở hầu hết các lĩnh vực; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 ước tăng 6,28% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với cả nước. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, thời tiết thuận lợi, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát. Sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và phát triển; hoạt động thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng do phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. 

Có thể thấy, đại dịch Covid-19, vẫn còn diễn biến phức tạp đã làm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng bị đình trệ, gián đoạn. Trước mắt, Việt Nam cần tập trung phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, hiệu quả, thực chất hơn, thực hiện nghiêm các quy định đã đề ra, tiếp tục có chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội để có thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2021.

* Tài liệu tham khảo:

1. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam (đăng ngày 02/07/2021), Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm tiếp tục ổn định.

2. Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ (đăng ngày 06/12/2021), Kỳ họp thứ Ba - HĐND tỉnh khóa XIX: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

2. Tổng cục Thống kê (2020), Niên giám thống kê 2020, Nxb Thống kê, Hà Nội.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tac-dong-cua-dai-dich-covid-19-den-tang-truong-kinh-te-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com