Thứ hai, 29.11.2021 GMT+7

VẬN DỤNG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY BÀI “HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI”

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã thành công rất tốt đẹp; đánh dấu chặng đường 35 năm đổi mới đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 10 năm Cương lĩnh (bổ sung phát triển năm 2011). Việc nghiên cứu những quan điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận mà thực tiễn đang đặt ra và vận dụng vào trong giảng dạy lý luận chính trị là một yêu cầu mang tính bắt buộc đối với mỗi giảng viên ở các Trường Chính trị. Các nội dung của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng được vận dụng trong nhiều môn học thuộc Chương trình Trung cấp lý luận chính trị trong đó có phần học “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước; xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”. Với tầm vóc cao đẹp về tình cảm, đức hạnh và trí tuệ,  những người phụ nữ “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” đã làm nên tượng đài đẹp nhất, thiêng liêng nhất về người mẹ, người phụ nữ Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vươn lên, phát huy vai trò của mình và có nhiều đóng góp trong mọi lĩnh vực của đời sống, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. 

Khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh 2 vấn đề mới:

Một là: Về nhiệm vụ của Hội Phụ nữ 

Đại hội XIII tiếp tục khẳng định và bổ sung thêm điểm mới: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.

 Bên cạnh việc tăng cường phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ; điểm mới mà Văn kiện Đại hội XIII đề cập đến là xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới với 4 chuẩn mực: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Trong 4 chữ vàng ấy, hai tiêu chí điển hình cho thế hệ phụ nữ hiện đại, đó là “tự tin”, “tự trọng”, hai tiêu chí còn lại là “trung hậu”, “đảm đang” là truyền thống quý báu của Phụ nữ Việt Nam được duy trì và gìn giữ cho đến ngày nay. 

Hai là: Về các chương trình hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội 

Đại hội XIII nêu một điểm mới, đó là: “Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”.

Trên cơ sở xác định phụ nữ là công dân có đặc thù riêng về giới tính và thiên chức người mẹ có ảnh hưởng lớn đến việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội; mỗi nhiệm kỳ Đại hội Phụ nữ toàn quốc đều xác định các chương trình hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề; kiến thức về chăm sóc sức khoẻ, nuôi dạy con, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc, như: Chương trình “Tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ”, “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” giai đoạn 2007 – 2012; Chương trình “Dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm”, “Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” giai đoạn 2012 - 2017 và 2017 - 2022. 

Đến Đại hội XIII, Đảng đặc biệt nhấn mạnh đến các chương trình phát triển, hỗ trợ cho phụ nữ có hoàn cảnh cảnh khó khăn, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Chương trình hỗ trợ phụ nữ khó khăn, giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên ổn định, giảm nghèo bền vững với các mô hình “Trao sinh kế”; “Mái ấm tình thương” cần được nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong xã hội với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cần tiếp tục đầu tư và củng cố cơ sở hạ tầng ở một số vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ giáo dục và y tế. Tiếp tục ưu tiên thực hiện một số chính sách đặc thù cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa  đang phát huy hiệu quả cao như: Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025; Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025.

     Như vậy, Đại hội XIII đã bổ sung những điểm mới về mục tiêu, nhiệm vụ và hoạt động nhằm phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày càng vững mạnh. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên trường chính trị nói chung và khoa xây dựng Đảng nói riêng cần cập nhật, vận dụng những điểm mới vào bài giảng “Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội và bình đẳng giới” thuộc phần học “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị. Góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của nhà trường nói riêng và thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang-vao-giang-day-bai-hoi-lien-hiep-phu-nu-viet-nam-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-va-binh-dang-gioi
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com