Thứ tư, 10.11.2021 GMT+7

TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH TIẾP CÔNG DÂN TRONG THÔNG TƯ 04/2021/TT-TTCP

Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất. Qua việc tiếp công dân, sẽ nắm được thông tin, kiến nghị, phản ánh, góp ý của người dân; Hiện thực hóa quyền dân chủ, cụ thể hóa quyền tham gia quản lý của NN, XH; tham gia thảo luận, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc; Đảm bảo thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện quyền đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân như Đại hội XIII đã khẳng định: đó là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị. Vì vậy, trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân, Thanh Tra Chính phủ đã ban hành Thông tư 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021, có hiệu lực ngày 15/11/2021 thay thế Thông tư 06/2014/TT-TTCP về quy trình tiếp công dân, gồm 6 chương, 12 điều. Thông tư 04/2021/TT-TTCP có nhiều điểm mới phù hợp với điều kiện, tình hình mới, đáp ứng yêu cầu tình hình mới hiện nay. Cụ thể là: Chương 1, đối tượng áp dụng đã được xác định toàn diện hơn, gồm: Cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị), người đứng đầu cơ quan, đơn vị và người tiếp công dân...

Về mục đích của việc tiếp công dân, quy định tại Điều 3 cũng có sự chỉnh sửa hợp lý, dễ hiểu hơn so với Thông tư 06, đặc biệt là khoản 2, điều 3: "2. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật". 

Việc từ chối tiếp công dân, quy định tại Điều 4, xác định rõ khoản 1, khoản 2 Điều 9 Luật Tiếp Công dân, khác với Thông tư 06 chỉ quy định chung tại Điều 9, không chỉ ra được tại khoản nào, nên chưa thực sự rõ, gây khó khăn cho người thực hiện: "Người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Luật Tiếp công dân và phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân"; và có sự tách biệt giữa việc phải giải thích cho công dân... và việc ra thông báo từ chối tiếp công dân: "Trường hợp từ chối tiếp công dân theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Tiếp công dân thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân. Thông báo được thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này"

Chương 2, tiếp người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh được gộp vào thành một chương, không tách riêng như Thông tư 06/2014/TT-TTCP, việc quy định cũng rõ ràng hơn: Điều 5. Xác định nhân thân của người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh: "Khi tiếp người khiếu nại, người tiếp công dân yêu cầu họ nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có); Khi tiếp người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân yêu cầu người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tùy thân; Trong quá trình tiếp người tố cáo, người tiếp công dân phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo". Việc xác định tính hợp pháp của người đại diện, người được ủy quyền, luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý được gộp tại trong điều 6, Thông tư, đảm bảo tính khoa học, lô gich hơn, dễ theo dõi.

Đặc biệt là quy trình tiếp công dân đã được quy định khá rõ, chi tiết, có nhiều điểm mới hơn so với Thông tư 06, phù hợp với Luật Tố cáo ở Mục 2, tiếp nhận, phân loại, xử lý nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Điều 7. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh:

"1. Khi công dân đến trình bày trực tiếp và không có đơn thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung trình bày của công dân; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị công dân trình bày thêm, sau đó đọc lại cho công dân nghe và đề nghị họ ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

2. Trường hợp công dân đến trình bày và có đơn với nội dung cụ thể, rõ ràng, có thể xác định được rõ tính chất vụ việc và cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung thì người tiếp công dân hướng dẫn họ cử người đại diện để trình bày; ghi lại nội dung trình bày và đề nghị người đại diện ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

4. Trường hợp công dân trình bày nhiều nội dung, vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

5. Việc tiếp nhận, ghi chép nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và việc hướng dẫn công dân viết đơn phải được ghi vào Sổ tiếp công dân hoặc được nhập vào phần mềm cơ sở dữ liệu về tiếp công dân"

Hơn nữa, Thông tư 04 quy định việc tiếp công dân và quản lý, theo dõi việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị gộp vào Chương 3, nhấn mạnh Điều 9 về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc trực tiếp tiếp công dân: 

"1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, xem xét, giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của mình hoặc thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân và kiểm tra, đôn đốc việc xử lý sau tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị. 

2. Việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải được công chức, viên chức giúp việc ghi chép đầy đủ vào Sổ tiếp công dân hoặc nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc phần mềm quản lý công tác tiếp công dân và được lưu tại nơi tiếp công dân. Ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân phải được lập thành văn bản và gửi cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu, nội dung chỉ đạo; ấn định thời gian giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật và cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải quyết phải gửi kết quả giải quyết cho công dân được biết. 

3. Khi tiếp công dân, nếu vụ việc rõ ràng, cụ thể, có cơ sở và thuộc thẩm quyền giải quyết thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trả lời ngay cho công dân biết; nếu vụ việc phức tạp cần nghiên cứu, xem xét thì nói rõ thời hạn giải quyết và người cần liên hệ để biết kết quả giải quyết.

 4. Kết thúc việc tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị ra thông báo kết luận việc tiếp công dân" và Điều 10. Trách nhiệm của Ban tiếp công dân, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp công dân và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có liên quan; 

Với những quy định mới được bổ sung trong Thông tư 04/2021 trên đã góp phần quan trọng trong đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt trong việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và những cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ Tiếp công dân. Qua đó đảm bảo tốt hơn vai trò làm chủ của người dân, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật - công cụ quan trọng để quản lý, điều hành, xây dựng Nhà nước kiểu mới, Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân hiện nay.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tim-hieu-mot-so-quy-dinh-ve-quy-trinh-tiep-cong-dan-trong-thong-tu-042021tt-ttcp
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com