Thứ sáu, 29.10.2021 GMT+7

NHỮNG NHÂN TỐ CÓ Ý NGHĨA QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện và thu được nhiều kết quả nổi bật. Bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng khoa học của Đảng được tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng được nâng cao, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.111).

Công tác xây dựng Đảng có ý nghĩa then chốt, quyết định đối với toàn bộ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII tiếp tục đặt ra nhiệm vụ “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” trong phương hướng phát triển đất nước, đồng thời bổ sung, làm rõ một số nội dung mới. Đó là, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Vai trò lãnh đạo, ý nghĩa và hiệu quả hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có thể thông qua Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể nhân dân; do đó yêu cầu “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng” gắn với xây dựng “hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện” chính là đặt Đảng trong cơ cấu thống nhất của hệ thống chính trị, đòi hỏi việc xây dựng đồng bộ các yếu tố cấu thành hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm đầu tiên quyết định thuộc về Đảng. Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền cũng đồng nghĩa với việc Đảng phải chịu trách nhiệm về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị và của từng tổ chức trong hệ thống chính trị. Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII đã nêu ra những bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó nhấn mạnh bài học đầu tiên là về xây dựng Đảng “Công tác xây dựng Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.95). Làm tốt công tác lý luận, chú trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và công tác dân vận của Đảng.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong nhiệm kỳ Đại hội XII có bước phát triển mới và đã đạt được những thành tựu nhất định. Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; nội dung, phương thức quản lý nhà nước đã từng bước được điều chỉnh phù hợp hơn với yêu cầu phát triển đất nước; vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và trong đời sống xã hội. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó nhấn mạnh xây dựng bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước kiến tạo phát triển, kỷ cương, liêm chính, hành động “Lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.175). Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước có đủ phẩm chất, năng lực, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức; đồng thời quan tâm thực hiện chính sách, chế độ, tạo điều kiện, môi trường làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Công tác cán bộ có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng Việt Nam cũng như công cuộc đổi mới hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”. Vì vậy cần phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thực sự là những người có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong nhân dân. Phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không còn uy tín đối với nhân dân. Cần nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Coi trọng nêu gương của cán bộ, đảng viên “Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.183-184).

Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định để phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại, khai thác sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nhung-nhan-to-co-y-nghia-quyet-dinh-thanh-cong-su-nghiep-xay-dung-phat-trien-dat-nuoc-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com