Thứ ba, 19.10.2021 GMT+7

KHẮC SÂU ĐẠO LÝ “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc đã có biết bao lớp người làm nên những chiến công vĩ đại, cống hiến, xây dựng và bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân. Chiến tranh tuy đã lùi xa, nhưng sự mất mát của các thương binh, bệnh binh, anh hùng liệt sĩ, sự đau thương của thân nhân liệt sĩ, thương binh, những người ảnh hưởng di chứng chiến tranh, chất độc da cam dioxin… vẫn chưa thể nguôi ngoai, vẫn còn đó biết bao vết thương chưa lành trên đất nước Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”(1)… Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, biết ơn đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước. Tháng 6/1947, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc các ngành, các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố họp ở xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã bàn bạc, nhất trí, đề nghị lấy ngày 27/7 hàng năm làm Ngày Thương binh toàn quốc sau đổi thành Ngày Thương binh, liệt sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do” (2). Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ truyền lại cho chúng ta.

Trước lúc vĩnh biệt về với thế giới người hiền, Bác đã để lại bản Di chúc, Người dặn: Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi một người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh. Người nhắc nhở: Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi công sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Người không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước phải thường xuyên quan tâm đến cha mẹ, vợ con của thương binh và gia đình liệt sĩ, người có công với nước, nếu họ mất sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói, bị rét…

Thấm nhuần sâu sắc và thực hiện lời dạy bảo ân cần của Người, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và có nhiều chính sách thích hợp để giúp đỡ, tỏ lòng hiếu nghĩa, quý trọng đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước. Những lời dạy bảo ân cần của Bác đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta phấn đấu thực hiện ngày càng tốt và chu đáo hơn. Từ Trung ương đến các địa phương đang tích cực phấn đấu thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công. Các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền đi sát cuộc sống thực tế của nhân dân, lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc thực hiện các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước nhằm giảm bớt khó khăn của những người đã nêu cao tinh thần anh dũng vì nước, vì dân, cống hiến tài năng, hy sinh xương máu cho Tổ quốc.

Truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã được kết tinh thành nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách đối với người có công với cách mạng càng được đặc biệt quan tâm, xã hội hoá sâu rộng. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng người có công được mở rộng; chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và đồng thuận xã hội. Cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn thể xã hội đã thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực trong những năm qua. Nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp đã triển khai, thực hiện sâu rộng các phong trào: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng…Các phong trào đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần đối với người có công.

Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, với bề dày truyền thống 64 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự phát triển đi lên của Nhà trường, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn trường luôn phát huy truyền thống và thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Nhà trường luôn có những hoạt động ý nghĩa, thiết thực góp phần làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân gia đình chính sách thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động tạo sức lan tỏa đến toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên nhà trường. Hàng năm, nhà trường phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh tuyên truyền về hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ của tỉnh. Thông qua các buổi tuyên truyền, giúp cho học viên của nhà trường hiểu biết thêm thông tin về chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước; thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc… và những hoạt tri ân và sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân, trong đó có Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đối với các liệt sĩ và gia đình liệt sĩ của tỉnh.  

Vào các ngày lễ lớn trong năm như Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, Lãnh đạo Trường cùng đoàn đại biểu tỉnh thăm hỏi, tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng, con gia đình thương binh, liệt sĩ; tham dự Lễ dâng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ của tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, nhà trường vinh dự được nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mười tại xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ. Mẹ Mười là mẹ của hai liệt sĩ Trần Ngọc Thạch (Binh chủng đặc công nước tham gia bảo vệ Trung ương cục miền Nam và hy sinh năm 1969 tại rừng đước Cà Mau) và Trần Ngọc Sơn (Bộ đội thông tin liên lạc, hy sinh năm 1974 tại mặt trận Thừa Thiên Huế)… 

 Hàng năm, thực hiện công văn chỉ đạo của cấp trên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn đã phát động cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên nhà trường hưởng ứng, tham gia ủng hộ các Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ nạn nhân chất độc da cam với hình thức mỗi cán bộ, giảng viên nhân viên ủng hộ một ngày lương/đợt …Hưởng ứng phát động “Viên gạch hồng xây nhà tình nghĩa tặng cựu chiến binh chống Pháp” cho gia đình Cựu chiến binh chống Pháp Dương Công Hoan ở thị trấn huyện Đoan Hùng có hoàn cảnh khó khăn. Nhà trường trích quỹ phúc lợi ủng hộ xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, khó khăn trên địa bàn tỉnh. 

Tham gia Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường đều nhận thức được đây vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm cùng đóng góp với cộng đồng để đời sống vật chất và tinh thần của người có công đầy đủ hơn, ấm áp hơn, góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ tiếp tục tích cực chung tay với các cấp, các ngành thăm hỏi chăm sóc sức khỏe, chia sẻ khó khăn bằng những hành động thiết thực, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống cho thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công trên địa bàn tỉnh. Mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên nhà trường thông qua thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta, góp phần làm cho tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn toả sáng trong thực tiễn cuộc sống./

* Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 372.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, tr. 3

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=khac-sau-dao-ly-uong-nuoc-nho-nguon-cua-chu-tich-ho-chi-minh
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com