Thứ tư, 13.10.2021 GMT+7

TÍNH CẤP THIẾT PHẢI CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Phát biểu trong phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Với công cuộc đổi mới toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là ưu tiên phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã có những kết quả nhất định không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn cả lĩnh vực văn hóa, xã hội… Với việc nhận thức đầy đủ, hoàn chỉnh về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng các ngành, lĩnh vực kinh tế đã đưa nước ta thoát ra khỏi một nước có nền kinh tế kém phát triển và có vị thế và tiềm lực như ngày nay.

Với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn tới Việt Nam cần thiết phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế vì những lý do sau:

Thứ nhất, xuất phát từ hạn chế, yếu kém của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng ở Việt Nam giai đoạn 1991 – 2010.

Hạn chế của mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 1991 – 2010

Tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào gia tăng các nguồn lực truyền thống. Trong giai đoạn 1991 - 2010, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa đáng kể vào mở rộng các đầu vào, mà cụ thể là vốn và lao động. Trong nhiều năm đóng góp của yếu tố vốn vào tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Chẳng hạn, mức đóng góp của vốn là 63% vào các năm 1997-1999, tăng lên 68% trong thời kỳ 2000-2007, thậm chí còn lên tới gần 84,1% vào năm 2009. Tương tự, số lượng lao động tham gia hoạt động kinh tế cũng tăng mạnh, song có đóng góp giảm dần vào tăng trưởng kinh tế. Như vậy, tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên.

Tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp. Trong giai đoạn 1991 – 2010, hai ngành nông nghiệp, công nghiệp luôn chiếm tới trên 60% GD, phần đóng góp của khu vực dịch vụ, thương mại chỉ ở mức 37-38%. Tỷ lệ của ngành dịch vụ thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực như: Singapor: 65%, Philippin 53,5%, Thái Lan 50%.... Có thể thấy trong giai đoạn này, sự phát triển nền kinh tế Việt Nam dựa quá nhiều khu vực I, gồm các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và khai thác khoáng sản. Khu vực công nghiệp chế tạo tuy đã có sự phát triển nhưng chủ yếu là gia công, sử dụng nhiều lao động phổ thông.

Tăng trưởng kinh tế lấy doanh nghiệp nhà nước làm động lực trọng tâm trong khi khu vực này hoạt động kém hiệu quả. Số liệu thống kê năm 2009 cho thấy, doanh nghiệp nhà nước chiếm 37,2% nguồn vốn kinh doanh, 44,8% giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn nhưng chỉ tạo ra 25% doanh thu, 37% lợi nhuận trước thuế và 20% giá trị sản xuất công nghiệp. Tương tự, năm 2010, doanh nghiệp nhà nước nắm khoảng 70% tổng tài sản cố định toàn bộ nền kinh tế quốc dân, chi phối 30% vốn đầu tư toàn xã hội, 60% tín dụng ngân hàng thương mại, 50% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, 70% nguồn vốn ODA. Với nguồn lực lớn như vậy nhưng doanh nghiệp mới chỉ đóng góp vào GDP từ 37% – 39% và chỉ tạo công ăn việc làm cho khoảng 4,4% lao động và năng suất lao động thấp hơn khu vực tư nhân từ 10% – 14%. 

Cơ cấu đầu tư bất hợp lý, hiệu quả đầu tư thấp nhất là đầu tư công. Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP của Việt Nam thuộc loại cao, chỉ đứng sau Trung Quốc. Trong thập niên cuối của thế kỷ XX, tỷ lệ này ở mức từ 32 đến 34%. Sang thập niên đầu của thế kỷ XXI tỷ lệ này tăng mạnh, luôn ở mức trên 40%, riêng năm 2007 lên tới 46,5%. Trong đó, đầu tư của khu vực nhà nước luôn chiếm tỷ trọng cao nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế này vào GDP lại không tương xứng.

Thể chế điều hành nền kinh tế nhiều bất cập. Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa và cải cách loại bỏ chế độ quan liêu bao cấp và kế hoạch hóa tập trung, song vai trò của Nhà nước đối với nền kinh tế vẫn còn mang nặng tính quản lý hành chính. Cùng với đó các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam không ổn định, thiếu thực tế, không nhất quán và cách thức làm chính sách kinh tế vĩ mô thường xuất phát từ quan điểm của người quản lý. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, làm cho nền kinh tế bất ổn và kém hiệu quả.

Những hạn chế đó gây nên hệ quả của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng ở Việt Nam đó là: Nền kinh tế kém hiệu quả, sự hoạt động không hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam biểu hiện ở hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào của tăng trưởng kinh tế như: hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, hiệu quả sử dụng lao động hay năng suất lao động… Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế yếu, điều này thể hiện ở năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước thấp. Khả năng cạnh tranh của hầu hết các hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới đều rất yếu. Do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của sản phẩm yếu nên năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng không mấy khả quan. Mất cân đối vĩ mô trầm trọng, mất cân đối giữa tiết kiệm của nền kinh tế so với tổng đầu tư, mất cân đối giữa thu và chi ngân sách. Tăng trưởng kinh tế chưa đi cùng với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và môi trường. Thành tựu xóa đói giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, số người có mức thu nhập cận trên của chuẩn nghèo còn khá cao, khả năng tái nghèo lớn. Một mặt trái của mô hình tăng trưởng theo chiều rộng của Việt Nam giai đoạn 1991 – 2010 là sự suy thoái môi trường nghiêm trọng. 

Thứ hai, xuất phát từ xu hướng đổi mới mô hình tăng trưởng sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam để thích ứng, phù hợp với những thay đổi của bối cảnh quốc tế và khu vực. Khủng khoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009 là cuộc khủng khoảng kinh tế, khủng khoảng của các nhà băng, khủng khoảng tín dụng hay cuộc khủng khoảng "phi vật chất"...Có những ngày, những tuần, hàng loạt ngân hàng tuyên bố phá sản, bị mua lại hoặc bị kiểm soát đặc biệt. Từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra năm 2008, Việt Nam chìm trong vòng xoáy tăng trưởng chậm khi các thị trường xuất khẩu lớn bị ảnh hưởng, sức mua trong nước giảm. Vì vậy, chính phủ các nước đều nghiên cứu và xác định cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bền vững, dựa vào tri thức, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, xuất phát từ yêu cầu chủ động, thích ứng trong hội nhập kinh tế quốc tế

Hội nhập quốc tế, tham gia ngày càng sâu rộng vào toàn cầu hóa, nhất là giai đoạn hiện nay là thời điểm nhiều hiệp định thương mại đa phương, song phương có hiệu lực, nhất là các hàng rào thuế quan của hàng loạt hàng hóa giảm mạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh tăng lên từ các doanh nghiệp và hàng hóa nước ngoài. Khả năng thích ứng với hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao. Nhằm đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại tất yếu phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Với những yêu cầu cấp thiết đó, Việt Nam cần khắc phục những khó khăn để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang kết hợp tăng trưởng theo chiều rộng với tăng trưởng theo chiều sâu và chú trọng tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu nhằm đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong phát triển kinh tế.

Tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta đã nhận thức những hạn chế của vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây như: Đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, phát triển nông nghiệp vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc; phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thiếu tính bền vững, chưa tạo ra được ngành công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh cao, chưa có ngành công nghiệp đóng vai trò dẫn dắt; chất lượng dịch vụ còn thấp, chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ còn chậm, xuất khẩu dịch vụ vẫn còn hạn chế, chưa khắc phục được thâm hụt trong cán cân xuất, nhập khẩu; phát triển ngành xây dựng chưa tương xứng với tiềm năng; liên kết vùng còn lỏng lẻo, thu ngân sách chưa bền vững, cơ chế phân cấp quản lý kinh tế, quản lý ngân sách còn thiếu đồng bộ, thiếu các cơ chế giám sát hiệu quả.

Văn kiện Đại hội XIII cũng đã đưa ra mục tiêu của mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn tiếp theo:

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ KHCN.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng KHCN.

Phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển các loại thị trường.

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ ra một số mục tiêu cụ thể đạt được khi chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nhiệm kỳ như: Chỉ số phát triển con người HDI: ở nhóm trung bình cao của thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,5 -7%/ năm. GDP bình quân năm 2025 đạt 4.700 – 5.000 USD. Đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp TFP đạt 45%. Tuổi thọ trung bình đạt 74,5 tuổi. Lao động qua đào tạo đạt 70%. Có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/ 1 vạn dân. Tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. Sử dụng nước sạch của dân cư thành thị là 95-100%, nông thôn là 93 -95%. Thu gom và xử lý chất thải rắn đạt 90%. Khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn là 92%. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị xử lý đạt 100%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42 %.

Như vậy, với việc nhìn thẳng vào những khuyết điểm, hạn chế và đưa ra những mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2020-2025 Đảng ta nhấn mạnh việc cần thiết phải đổi mới mô hình tăng trưởng một cách cụ thể và đồng bộ hơn nhằm phát triển nền kinh tế hướng tới sự bền vững góp phần sớm thực hiện được mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tài liệu tham khảo

1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính: Đường lối chính sách của Đảng, nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội; Nxb Lý luận chính trị, H. 2017.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H. 202.

3. Tài liệu hỏi đáp về các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H. 2021.

4. GS.TS. Ngô Thắng Lợi – TS. Nguyễn Quỳnh Hoa, Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam, thực trạng và định hướng đến năm 2030, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H. 2017.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tinh-cap-thiet-phai-chuyen-doi-mo-hinh-tang-truong-kinh-te-cua-viet-nam-giai-doan-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com