Thứ sáu, 08.10.2021 GMT+7

VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY MÔN TRIẾT HỌC MÁC - LÊNIN

Quyết định số 292/QĐ-HVCTQG ngày 21/01/2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành về Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) thay thế Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG về việc ban hành Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; Quyết định số 3136/QĐ-HVCTQG ngày 14/7/2016 và Quyết định số 8008/QĐ-HVCTQG ngày 24/12/2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về điều chỉnh Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, theo đó, nội dung môn Triết học Mác – Lênin thuộc phần Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin bao gồm 11 bài:

Bài 1: Triết học Mác – Lênin trong đời sống xã hội

Bài 2: Chủ nghĩa duy vật mácxít – thế giới quan khoa học cho nhận thức và cải tạo hiện thực

Bài 3: Hai nguyên lý của phép biện chứng duy vật

Bài 4: Các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật

Bài 5: Những quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật

Bài 6: Lý luận nhận thức duy vật biện chứng

Bài 7: Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội

Bài 8: Giai cấp và đấu tranh giai cấp

Bài 9: Nhà nước và cách mạng xã hội

Bài 10: Quan điểm của triết học MLN về con người

Bài 11: Quan điểm của triết học MLN về ý thức xã hội

Đối với các bài giảng viên khi giảng cần phải nắm được mục đích yêu cầu về kiến thức, kỹ năng vận dụng lý luận vào thực tiễn của từng bài, từ đó giúp cho giảng viên trong quá trình giảng sẽ biết phải vận dụng nội dung Văn kiện Đại hội XIII một cách khoa học và hợp lý. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung vào một số bài trong chương trình TCLLCT. Cụ thể:

Bài 9. Nhà nước và cách mạng xã hội

Vấn đề nhà nước là vấn đề mà các thế lực thù địch cũng tập trung chống phá. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, sau khi nhà nước tư sản bị lật đổ thì giai cấp công nhân và chính đảng của mình vẫn cần có nhà nước, để thực hiện cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Nhà nước đó chính là nhà nước vô sản.

 Hiện nay, nhà nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Ở bài này, giảng viên cần liên hệ thực tiễn ở nước ta, làm rõ quan điểm của Đảng về Nhà nước hiện nay, Đại hội XIII khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay là: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo... Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”.

Đại hội XIII đặc biệt coi trọng việc xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó, Đại hội XIII chủ trương “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước... Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân”. Cần nhận thức sâu sắc rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và quản lý nhà nước trong tình hình mới”. Hạn chế này cần phải sớm khắc phục để góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Đại hội XIII thể hiện mạnh mẽ quyết tâm xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là một trong những định hướng chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2021 - 2030 cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới,thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Bài 10. Quan điểm của triết học Mác – Lênin về con người

Một trong những điểm khác biệt căn bản, khác biệt về chất giữa triết học Mác với “triết học Đức hiện đại” (từ dùng của C.Mác) chính là “điểm xuất phát”. Triết học Mác không xuất phát từ những giáo điều tùy tiện, phi lịch sử như triết học Đức mà xuất phát từ những con người hiện thực, sống động với tất cả các mối quan hệ đan xen chằng chịt vào nhau. Trong triết học Mác, con người luôn luôn chiếm vị trí trung tâm, vì vậy trong giáo trình mới chương trình Trung cấp LLCT đã bổ sung chuyên đề “Quan điểm triết học Mác - Lênin về con người” là hết sức cần thiết.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới (theo tinh thần Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9-2-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng) một cách hiệu quả, trong đó có vấn đề con người, đòi hỏi giảng viên phải quán triệt sâu sắc quan điểm định hướng phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được Đại hội XIII của Đảng đề ra: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Trước mắt cần tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, Đại hội XIII chủ trương: tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại... để con người Việt Nam thực sự là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng quan niệm của triết học Mác - Lênin về mối quan hệ giữa con người với hoàn cảnh, đòi hỏi chúng ta phải quán triệt các quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII về Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải có “Cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân... Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn... Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”; Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người... Môi trường văn hóa, môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh là điều kiện cơ bản để góp phần xây dựng, phát triển con người Việt Nam về nhân cách, đạo đức, lối sống, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật...

Vận dụng cách tiếp cận duy vật biện chứng về vấn đề con người để nhận diện, đánh giá, phân tích và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và phát huy nhân tố con người ở địa phương đơn vị; Nhận diện và phê phán những luận điểm sai lầm, xuyên tạc quan điểm của triết học Mác - Lênin và chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề con người.

Trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội ở Việt Nam, giảng viên khi giảng cần liên hệ Văn kiện Đại hội XIII: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức, trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”, đồng thời với đó phải: “Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội... Từng bước vươn lên khắc phục hạn chế của con người Việt Nam” Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định rõ cần thiết phải: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người, gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”

Như vậy, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa ra rất nhiều điểm mới trong điệu kiện cụ thể nước ta hiện nay. Vì vậy, trong quá trình giảng phần Triết học Mác – Lênin trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị, các giảng viên cần vận dụng các quan điểm này vào bài giảng. Quán triệt quan điểm mới của Đảng còn làm cho bài giảng có được một nội dung sinh động, thiết thực, tránh tình trạng nói lý thuyết suông, khô khan, nhàm chán, giúp cho người học nắm chắc nội dung triết học và ý nghĩa sâu sắc của nó. Hơn thế nữa, giúp học viên phát huy tinh thần tìm tòi sáng tạo trong học tập, nghiên cứu lý luận và biết vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác ở địa phương, cơ sở.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-vao-giang-day-mon-triet-hoc-mac-lenin
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com