Thứ sáu, 01.10.2021 GMT+7

LỚP BỒI DƯỠNG GIẢNG VIÊN KINH TẾ CHÍNH TRỊ VỀ ''PHÁT TRIỂN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH DỊCH CHUYỂN ĐỊA CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA CÁC NƯỚC LỚN''

Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức và giảng viên lý luận chính trị năm 2021, từ ngày 27 đến 30 tháng 9 năm 2021, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lớp bồi dưỡng "phát triển Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển địa chiến lược mới của các nước lớn" dành cho giảng viên giảng dạy bộ môn kinh tế chính trị trong hệ thống học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị tỉnh, thành phố, trường cán bộ của các bộ, ngành trung ương theo hình thức trực tuyến qua Microsoft Team.

Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa diễn ra với nhiều nội dung mới và môi trường kinh tế - xã hội toàn cầu gần đây có nhiều thay đổi sâu sắc. Do đó, việc cập nhật, trao đổi những kiến thức mới là vô cùng quan trọng đối với từng giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng trong bối cảnh mới hiện nay. Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã cử 11 giảng viên của khoa Lý luận cơ sở tham dự lớp tập huấn.

Bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, bổ trợ kiến thức chuyên ngành, liên ngành cho đội ngũ giảng viên các ngành lý luận cơ bản nói chung, giảng viên ngành kinh tế chính trị nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường niên mà Ban Giám đốc Học viện giao cho viện Kinh tế chính trị học thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên trong toàn hệ thống.

Trong chương trình học, các học viên được học tập, trao đổi chuyên đề: 

 Chuyên đề 1: Địa chiến lược - những vấn đề lý luận cơ bản và các đối sách thực tiễn

 Chuyên đề 2: Biến chuyển địa chiến lược thế giới, khu vực trong những thập niên đầu của thế kỷ 21

 Chuyên đề 3: Xu hướng dịch chuyển địa chiến lược thế giới và khu vực, trước và sau đại dịch Covid-19.

 Chuyên đề 4: Địa chiến lược giữa các nước lớn (Mỹ, Nga, Trung Quốc) và đối sách của các quốc gia đang phát triển, xem xét trường hợp Việt Nam.

Chuyên đề 5: Xu hướng dịch chuyển địa chiến lược của ASEAN trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và đối sách của Việt Nam.

Chuyên đề 6: Xu hướng dịch chuyển địa chiến lược của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19: đối sách của ASEAN và Việt Nam.

Chuyên đề 7: Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc trong cục diện chuyển động địa chính trị toàn cầu và đối sách của Việt Nam.

Hiện nay, với những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, đại dịch covid -19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu. Nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội nảy sinh chưa có tiền lệ. Sự dịch chuyển địa chiến lược của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới nhằm ứng phó với khủng hoảng đòi hỏi Việt Nam phải có sự nghiên cứu thấu đáo để có thể đặt nước ta đúng dòng chảy của thời đại; thích nghi với hoàn cảnh và vượt qua những biến cố để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Đây là những vấn đề lớn đặt ra với các giảng viên trong giảng dạy và nghiên cứu

Thông qua các chuyên đề, học viên tham gia lớp bồi dưỡng nắm bắt được những vấn đề lý luận cơ bản và một số đối sách thực tiễn của các quốc gia trong nhận diện và giải quyết những vấn đề về địa chiến lược; tổng quan những thay đổi trong địa chiến lược của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, phân tích và đánh giá tác động, những yêu cầu đặt ra đối với phát triển kinh tế Việt Nam trong tình hình mới. Qua đó, mỗi giảng viên vận dụng vào trong quá trình giảng dạy gắn kết giữa lý luận và thực tiễn và nghiên cứu tại địa phương trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học./.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=lop-boi-duong-giang-vien-kinh-te-chinh-tri-ve-phat-trien-viet-nam-trong-boi-canh-dich-chuyen-dia-chien-luoc-moi-cua-cac-nuoc-lon
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com