Thứ hai, 20.09.2021 GMT+7

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ NHỮNG LẦN VỀ THĂM, LÀM VIỆC TẠI TỈNH PHÚ THỌ

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ của dân tộc luôn là một tấm gương tỏa sáng muôn đời về tình yêu quê hương đất nước, suốt đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong 24 năm trên cương vị là Chủ tịch nước, người đã có hơn 700 lần đi về cơ sở, dừng chân ở nhiều địa phương và dành những tình cảm sâu sắc cho đồng bào các dân tộc Việt Nam. Theo dòng lịch sử từ năm 1947 đến năm 1969, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ thật vinh dự, tự hào được Bác Hồ nhiều lần về thăm, trong thời gian đó, Người đã có nhiều bài viết, bài nói chuyện trực tiếp hoặc gián tiếp đến Phú Thọ, gắn bó mật thiết với nhiều sự kiện và mốc lịch sử tiêu biểu của Phú Thọ. Mỗi địa danh trên quê hương Đất Tổ, nơi Người đặt chân đến đều trở thành những địa chỉ đỏ cách mạng, những minh chứng lịch sử trực quan sinh động được nhân dân Phú Thọ qua các thế hệ trân trọng, ghi nhớ.

Mùa đông năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội lên đường kháng chiến cùng với chiến sỹ và đồng bào cả nước. Từ ngày 4/3 - 1/4/1947, trong hành trình từ Hà Nội lên Việt Bắc lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp, Người đã dừng chân tại các xã Cổ Tiết (huyện Tam Nông), Chu Hóa (huyện Lâm Thao - nay thuộc thành phố Việt Trì) và Yên Kiện (huyện Đoan Hùng). Trong thời gian làm việc tại đây, Bác đã nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo của Đảng nghiên cứu kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của các thế hệ cha anh, vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và nhiệm vụ quan trọng nhất trong lúc này của mọi người là cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiến hành cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Đầu năm 1951, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch ở hướng Đông Bắc (đường số 18) lấy tên là chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Tháng 3/1951, Đại đoàn 312 mở hội nghị ở xóm Cúng, xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa quán triệt nhiệm vụ trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám và vinh dự Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm đơn vị, Người căn dặn: “Muốn đánh thắng, trước hết phải đoàn kết chặt chẽ và có quyết tâm cao”.

Sau 9 năm trường kỳ gian khổ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Trên đường về tiếp quản Thủ đô, ngày 18, 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng, viếng mộ Tổ và gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong để giao nhiệm vụ quân sự. Tại Đền Giếng, Bác đã nói chuyện và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây là lời dặn dò tâm huyết của Bác, không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ về tiếp quản Thủ đô, mà còn xác định ý thức, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngày 12/2/1956 (tức mùng Một Tết Bính Thân), Bác đến thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân Việt Nam và chuyên gia Trung Quốc làm việc tại công trường cầu Việt Trì. Người căn dặn anh chị em công nhân ra sức thi đua hoàn thành kế hoạch; thi đua làm mau, làm tốt, làm rẻ; kết hợp chống tham ô, lãng phí. Đoàn kết với nhau và với đồng chí bạn; học tập kinh nghiệm quý báu của bạn… Sau hơn nửa năm khẩn trương lao động và chỉ hơn một tháng sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, ngày 23/3/1956, cầu Việt Trì đã được xây dựng xong, thông suốt giao thông đường sắt và đường bộ, nối liền các tỉnh phía Bắc với các tỉnh đồng bằng và Thủ đô Hà Nội. 

Ngày 20/7/1958, Người về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ. Người  đã dự “Hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ” và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ từ tỉnh đến xã. Bác nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh: “Kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm, ra sức thi đua sản xuất, đảm bảo vụ mùa thắng lợi. Muốn được như thế phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn bộ cán bộ và toàn thể nhân dân, phải đánh tan tư tưởng tiêu cực, bi quan, ngại khó, cán bộ từ tỉnh đến xã phải đi sát với quần chúng, phải nắm lấy một số nơi, tham gia lao động với quần chúng, học tập kinh nghiệm và sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng một cách thiết thực và toàn diện; các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng nhân dân định kế hoạch cụ thể, phải phát triển và củng cố tổ đổi công và làm cho sản xuất nông nghiệp thật vững chắc”. 

Ngày 13/4/1959, Bác Hồ về thăm công trường xây dựng Khu Công nghiệp Việt Trì. Người ân cần hỏi thăm điều kiện làm việc, ăn ở của công nhân và khen ngợi tinh thần lao động hăng say, nhiệt tình, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công nhân Khu công nghiệp. Người nói: “Đây là khu công nghiệp đầu tiên của nước ta. Xưa các Vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô dựng nước. Nay ta xây dựng Đất Tổ thành một khu công nghiệp to lớn, cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Từ đây ta sẽ bắt đầu cho công cuộc xây dựng to lớn của cả nước… Bác mong các cô, các chú cùng thi đua xây dựng sao cho các nhà máy được ra đời để hoạt động càng sớm càng tốt, để ta có thể được những sản phẩm tự lực cánh sinh mà xưa nay vẫn phải mua của nước ngoài”… Những lời căn dặn của Bác là nguồn động viên to lớn đối với cán bộ, công nhân đang xây dựng khu công nghiệp. Sau hơn 3 năm khẩn trương xây dựng, ngày 18/3/1962, Khu Công nghiệp Việt Trì được khánh thành.

Ngày 20-3-1961, Bác Hồ đã về thăm và làm việc với cán bộ và xã viên hợp tác xã Đồng Tâm (nay là thị trấn Đoan Hùng). Bác đã nói chuyện với hơn 200 cán bộ, xã viên hợp tác xã, Bác đã khen ngợi cán bộ, đảng viên, đoàn viên và bà con xã viên đã tích cực khai hoang, mở rộng diện tích và nỗ lực đẩy mạnh sản xuất. Bác nói: “Đồng Tâm là cùng một lòng, mọi người cùng một lòng là rất tốt. Muốn hợp tác xã vững mạnh cán bộ phải gương mẫu, liêm khiết, không được tham ô, không được làm việc xấu; tổ chức và quản lý cho tốt; phân phối sản phẩm cho công bằng. Còn bà con xã viên muốn hợp tác xã vững mạnh phải đoàn kết chặt chẽ, phải có tinh thần làm chủ và hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, không vì lợi ích riêng mà sao nhãng việc công…”.

Ngày 19-8-1962, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, hơn 3 vạn cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc từ khắp nơi trong tỉnh đã có mặt tại sân vận động thị xã Phú Thọ đón chào Người trong niềm vui sướng và phấn khởi. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác thân ái hỏi thăm đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an, dân quân, anh hùng lao động và chiến sĩ thi đua trong toàn tỉnh. Người nói: “Bác tin rằng Đảng bộ Phú Thọ sẽ cố gắng lãnh đạo nhân dân tỉnh ta tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ Đảng đã giao phó, trở nên tỉnh tiên tiến để góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”. Dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm HTX Nam Tiến và Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao. 

Năm 1960, hưởng ứng lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy) đã phát động nhân dân toàn xã trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc, đưa nhiệm vụ trồng cây thành một chỉ tiêu phấn đấu hàng năm. Từ năm 1962 đến năm 1964, xã Vinh Quang luôn là đơn vị trồng cây điển hình của miền Bắc. Ngày 26-01-1964, Đảng bộ và nhân dân xã Vinh Quang vinh dự được Bác Hồ về thăm, Người đi thăm những khu trồng cây, khu trang trại chăn nuôi, trường học và nhà dân. Tận mắt chứng kiến thành tích trồng cây của xã, Bác rất hài lòng và mong muốn Vinh Quang phát huy tốt hơn nữa việc trồng cây. Người căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã phải tiếp tục phấn đấu trên tất cả các mặt sản xuất, văn hóa để đời sống nhân dân ngày càng no ấm và văn minh hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa 52 năm, nhưng với tình cảm đặc biệt dành cho Phú Thọ,  Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ vẫn luôn ghi nhớ và quyết tâm thực hiện những lời căn dặn của Người xây dựng quê hương Phú Thọ phát triển. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo nên sự chuyển biến tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đến nay, kinh tế của Phú Thọ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước (tính riêng bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 7,58%, trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu tác động rất nặng nề của đại dịch COVID-19  vẫn tăng 6,22%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; tỷ trọng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,01%; khu vực dịch vụ chiếm 41,65%. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành mục tiêu đề ra trước 3 năm; đến nay, toàn tỉnh đã có 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 đơn vị cấp huyện là: huyện Lâm Thao và huyện Thanh Thủy đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh bình quân đạt 15,7 tiêu chí/xã.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, quy mô, mạng lưới trường, lớp học được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường và sắp xếp tinh gọn, từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 89,7%. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng. Hệ thống y tế từ tỉnh đến xã không ngừng được củng cố và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác y tế dự phòng được quan tâm chỉ đạo, hoạt động giám sát các bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch nguy hiểm được chủ động thực hiện thường xuyên, đặc biệt trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, không để đại dịch bùng phát. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá dân tộc; xây dựng và bảo vệ thành công hai di sản văn hoá phi vật thể “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận và vinh danh.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực. Chủ động nắm chắc, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Công tác chính trị, tư tưởng có nhiều đổi mới, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ.

Công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đạt nhiều kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn. Công tác cán bộ được coi trọng, nhiều chủ trương, giải pháp về công tác cán bộ được cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, bảo đảm dân chủ, chặt chẽ. Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp tiếp tục được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh trong tình hình mới. 

Ghi nhận những thành tựu xuất sắc đạt được trong những năm qua, nhân dân và cán bộ tỉnh Phú Thọ đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, được phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; nhiều tập thể, cá nhân được phong danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân","Anh hùng lao động"; hàng vạn đồng bào, chiến sỹ trong tỉnh được tặng thưởng huân, huy chương và các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Đây là niềm tự hào, vừa là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phấn đấu giành kết quả to lớn hơn trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Với sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Phú Thọ quyết tâm thực hiện tốt những lời căn dặn của Người, xây dựng Phú Thọ trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc./.

 
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=chu-tich-ho-chi-minh-va-nhung-lan-ve-tham-lam-viec-tai-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com