Thứ năm, 19.08.2021 GMT+7

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM – GIÁ TRỊ LỊCH SỬ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN

15 năm (1930 - 1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam với đường lối cứu nước đúng đắn đã khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân Việt Nam đã đứng lên làm cách mạng để giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập cho dân tộc Việt Nam, nhân dân thoát khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân, phong kiến trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, những trang sử vàng của dân tộc tiếp tục được mở ra.

 Ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám không chỉ dừng lại ở phạm vi dân tộc mà nó đã có sức lan tỏa và trở thành nguồn cổ vũ cho các dân tộc thuộc địa khác trong cuộc đấu tranh giành độc lập, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại; chứng minh và khẳng định tính đúng đắn của học thuyết Mác – Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Giá trị của Cách mạng Tháng Tám là không thể phủ nhận.

Trở lại thời điểm lịch sử trước Cách mạng Tháng Tám và trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân ta với truyền thống yêu nước ngàn đời và khát vọng độc lập, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ khuất phục trước bất kỳ sự xâm lăng nào của ngoại bang. Khi thực dân Pháp xâm lược, với truyền thống đó, nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh đã nổ ra, như cuộc kháng Pháp của Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương; cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học; các phong trào Cần Vương, Đông Du... nhưng tất cả đều thất bại do thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn và một tổ chức lãnh đạo thống nhất. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác – Lênin đã đáp ứng được yêu cầu của lịch sử, của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã hồi sinh dân tộc, làm sống lại truyền thống yêu nước, khơi dậy tinh thần đoàn kết của nhân dân, tạo ra bước ngoặt to lớn trong lịch sử dân tộc, là cơ sở cho thắng lợi của các cuộc cách mạng tiếp theo trong công cuộc đấu tranh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

 Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân đã trở thành người làm chủ và được thực hiện các quyền làm chủ. Đầu tiên là quyền đi bầu cử, chỉ 4 tháng sau Cách mạng Tháng Tám, tháng 1/1946, lần đầu tiên nhân dân đã được cầm lá phiếu để tự tay bầu ra Quốc hội của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cử ra chính quyền từ cấp xã đến Trung ương, thực hiện xây dựng một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. 

Nói về ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lịch sử dân tộc ta có nhiều thời kỳ rất vẻ vang. Nhưng trước Cách mạng Tháng Tám, dân tộc ta đã phải trải qua gần một thế kỷ vô cùng tủi nhục. Trên địa đồ thế giới, tên nước ta đã bị xóa nhòa dưới bốn chữ “Đông Dương thuộc Pháp”. Thực dân Pháp gọi đồng bào ta là lũ Annamit dơ bẩn. Thiên hạ gọi chúng ta là vong quốc nô… Cách mạng Tháng Tám thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Nhân dân ta tự làm chủ vận mạng của mình. Tên tuổi nước ta lại lừng lẫy khắp năm châu, bốn biển”1.

Sau cách mạng Tháng Tám, các truyền thống, nền văn hóa của dân tộc cũng được hồi sinh, dân sinh, dân trí, dân chủ ngày càng được nâng cao. Với vai trò là người làm chủ, nhân dân đã cùng với Đảng thực hiện thành công các cuộc đấu tranh chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ  Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, có vị thế cao trên trường quốc tế. Với tất cả những gì mà cách mạng Việt Nam đã đạt được từ ý Đảng, lòng dân“... chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”2.

76 năm qua, ý nghĩa và giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám là không thể phủ nhận, dù cho các thế lực phản động bên ngoài hay những phần tử cơ hội bên trong ra sức xuyên tạc và chống phá. Thực tế đã chứng minh, nếu không có sự lãnh đạo của Đảng, không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám thì không biết dân tộc Việt Nam sẽ phải chịu thêm bao nhiêu năm nô lệ dưới gót giày thực dân, nhân dân Việt Nam đến bao giờ mới được làm chủ trên chính đất nước của mình. Vì vậy, với những gì mà đất nước đã đạt được như ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam cần phải tỉnh táo và kiên quyết chống lại những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch và phản động, bảo vệ vững chắc giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám và những thành quả của cách mạng Việt Nam. Đoàn kết, vươn lên xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”3

 

(1). Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 14, tr621, tr622.

(2). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG ST, H.2021, tr.25.

(3). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG ST, H.2021, tr.14.


 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=cach-mang-thang-tam-gia-tri-lich-su-khong-the-phu-nhan
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com