Thứ ba, 17.08.2021 GMT+7

QUAN ĐIỂM VỀ XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TRONG CÁC VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀ VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ THỌ LẦN THỨ XIX

Chính quyền địa phương là một bộ phận hữu cơ hợp thành của Nhà nước thống nhất, được tổ chức ở các đơn vị hành chính, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt; thực hiện các chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi địa phương theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Điều 111 Hiến pháp năm 2013 xác định: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.

Xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh luôn là nhiệm vụ xuyên suốt trong các giai đoạn của cách mạng Việt Nam từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945) đến nay, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiệm kỳ 2016 – 2021, tổ chức và hoạt động của các cấp chính quyền địa phương đã đạt được những kết quả tích cực. Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới; tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, quan tâm xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, khẩn trương triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở một số nơi chưa được đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế.

Từ thực tiễn nêu trên, Đại hội XIII của Đảng xác định việc xây dựng chính quyền địa phương trong nội dung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: “Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt theo luật định; thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội 2021, t.1, tr.178). Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019 quy định: Chính quyền địa phương ở quận là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.Đối với tỉnh Phú Thọ, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định nhiệm vụ trọng tâm: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp. Phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, tinh thần tận tụy, trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung hiện đại hóa nền hành chính gắn với hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp” (Tỉnh ủy Phú Thọ, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, 2020, tr.65); “Tập trung triển khai cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính gắn với hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước… Xây dựng chính quyền điện tử, hoạt động hiệu quả, đồng bộ, liên thông, thống nhất 4 cấp, tiến tới xây dựng chính quyền số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo gắn với đảm bảo an toàn an ninh thông tin….” (Tỉnh ủy Phú Thọ, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, 2020, tr.99, 100).  Thực hiện quan điểm chỉ đạo nêu trên, nhiệm kỳ 2021 – 2026, các cấp chính quyền cần tập trung thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với các nội dung cơ bản: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số với mục tiêu trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính gắn với hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Về tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX chỉ rõ: “Nâng cao chất lượng các kỳ họp, các nghị quyết Hội đồng nhân dân. Tăng cường chất vấn và trả lời chất vấn; đổi mới công tác giám sát, khảo sát theo hướng sâu sát cơ sở, đúng trọng tâm, trọng điểm; chất vấn, giám sát gắn với theo dõi, đôn đốc sát sao việc thực hiện kiến nghị sau giám sát, thực hiện lời hứa của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát chặt chẽ việc giải quyết kiến nghị của cử tri” (Tỉnh ủy Phú Thọ, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, 2020, tr.98); “Đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác của Ủy ban nhân dân các cấp, xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh. Thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức, sắp xếp tổ chức bộ máy của chính quyền các cấp gắn với tinh giản biên chế, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn” (Tỉnh ủy Phú Thọ, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, 2020, tr.98, 99). Theo tinh thần đó, các cấp chính quyền, các cơ quan hành chính của tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đúng theo quy định tại Nghị định số 107/NĐ-CP và Nghị định số 108/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp theo hướng sâu sát, quyết liệt theo tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả, gắn với trách nhiệm người đứng đầu”,  “Đổi mới và thực hiện có hiệu quả việc đánh giá xếp loại lãnh đạo và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trực thuộc. (Tỉnh ủy Phú Thọ, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, 2020, tr. 99). Đồng thời yêu cầu các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị phải “Tăng cường các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; Hằng năm thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động và chấm điểm chỉ số cải cách hành chính các cơ quan, đơn vị trong tỉnh” (Tỉnh ủy Phú Thọ, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, 2020, tr.100). Theo tinh thần đó, hằng năm, cần thực hiện nghiêm túc việc đánh giá xác định chỉ số cải cách hành chính, đánh giá xếp loại chất lượng hoạt động của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện và đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường kiểm tra cải cách hành chính, công vụ đổi với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành thị; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn tổ chức bộ máy, gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là nhiệm vụ quan trọng hiện nay, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=quan-diem-ve-xay-dung-chinh-quyen-dia-phuong-trong-cac-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang-va-van-kien-dai-hoi-dang-bo-tinh-phu-tho-lan-thu-xix
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com