Thứ tư, 28.07.2021 GMT+7

QUAN ĐIỂM KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII DƯỚI GÓC NHÌN CỦA HAI NGUYÊN LÝ CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra và thành công tốt đẹp trong bối cảnh đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

     Đại hội XIII của Đảng ghi dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới. Một trong những điểm nhấn quan trọng của Đại hội XIII là “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc”. Khát vọng này được thể hiện ngay trong chủ đề Báo cáo chính trị trình Đại hội; trong quan điểm chỉ đạo; trong Mục tiêu phát triển đất nước, phần Mục tiêu phát triển tổng quát; ở Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và phần Những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Tại sao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc lại trở thành một trong những điểm mới nổi bật, quan điểm chỉ đạo bao trùm, xuyên suốt trong tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng? Giải thích điều này, có những cơ sở lý luận và thực tiễn nhất định. Trong bài viết này, tác giả tiếp cận từ việc vận dụng phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin (ý nghĩa phương pháp luận của nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển) để phân tích làm rõ cơ sở lý luận về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

     Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến trong phép biện chứng duy vật mac-xit cho rằng, toàn bộ thế giới thống nhất ở tính vật chất, cho dù thế giới có vô vàn các sự vật, hiện tượng đa dạng, phong phú, phức tạp đến đâu đi chăng nữa thì chúng cũng chỉ là những dạng, bộ phận của thế giới vật chất duy nhất, có mối liên hệ chặt chẽ, tác động, nương tự, phụ thuộc lẫn nhau. Mọi sự tồn tại của sự vật, hiện tượng luôn có mối liên hệ giữa hiện tại với quá khứ và tương lai. Nguyên lý về sự phát triển luôn gắn liền với nguyên lý về mối liên hệ phổ biến. Sự vật tồn tại, vận động và phát triển đi từ thấp lên cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Phát triển là sự ra đời của cái mới trên cơ sở cái cũ và khác về bản chất so với cái cũ. Từ nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển có thể rút ra ý nghĩa phương pháp luận là quan điểm toàn diện, quan điểm phát triển và quan điểm lịch sử cụ thể khi xem xét các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan.

     Từ quan điểm toàn diện, quan điểm phát triển và quan điểm lịch sử cụ thể khi xem xét quan điểm về “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” lần đầu tiên được đưa vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là hoàn toàn khách quan, tất yếu, phù hợp với lịch sử, hiện tại và tương lai; sự kế thừa truyền thống dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

     Một là, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc được đặt trong mối quan hệ trong suốt tiến trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước thời kỳ trung đại.

     Trong suốt thời kỳ trung đại, Việt Nam đánh thắng tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược của phong kiến phương Bắc, giữ vững nền độc lập dân tộc, sáng tạo nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ không phải chủ yếu bằng tiềm năng quân sự, bằng sức mạnh vật chất, mà trước hết và chủ yếu bằng sức mạnh quật khởi vĩ đại bắt nguồn từ khát vọng về chủ quyền quốc gia: Sông núi nước Nam vua Nam ở, về một quốc gia Đại Việt vốn xưng nền văn hiến đã lâu; núi sông, bờ cõi đã chia, phong từ Bắc, Nam cũng khác và khát vọng về một đất nước phú cường non sông nghìn thủa vững âu vàng.  

     Hai là, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc đặt trong mối liên hệ có tính kế thừa tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho khát vọng lớn lao ấy của dân tộc: “Cả cuộc đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1];Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; không có gì quý hơn độc lập, tự do; nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi. Trong Bản di chúc Người viết:

                        Còn non, còn nước, còn người

              Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay…

     Hai câu thơ đã nói lên nỗi niềm tha thiết, ước mơ cháy bỏng: Bác rất muốn nhìn thấy ngày Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và non sông đất nước ta thực sự đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn.

     Ba là, trong mối liên hệ thực tiễn đất nước Việt Nam do sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 91 năm qua, nhất là thành tựu của 35 đổi mới đất nước.

     Sau khi đất nước thống nhất, tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, với khát vọng chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, nhân dân ta đồng lòng tin theo Đảng tiến hành công cuộc đổi mới. Khát vọng ấm no, hạnh phúc đã chuyển hóa thành sức mạnh to lớn đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX; vượt qua cuộc chấn động chính trị toàn cầu khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xô Viết và Đông Âu sụp đổ và những thử thách khắc nghiệt do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu những năm 2008 - 2009, đưa đất nước ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; vượt lên, kiềm chế đại dịch Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do dịch bệnh gây ra, ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, khôi phục, duy trì tăng trưởng. 

     Kết quả, thành tựu của 35 năm đổi mới “rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ẩn nổi bật”[2], như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn của mình, chúng ta vẫn có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[3].

     Bốn là, khát vọng về một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc được thể hiện trong tinh thần Đại hội XIII của Đảng còn xuất phát từ quan điểm lịch sử cụ thể: Bối cảnh thế giới và đất nước.

     Tại sao, thời điểm này lại bùng lên ngọn lửa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đến như vậy? Bởi lẽ, như Đại hội XIII đã chỉ ra, trên thế giới, tình hình diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại khó khăn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp; toàn cầu hóa, hội nhập đang diễn ra nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan... Trong nước, bốn nguy cơ mà Đảng chỉ ra còn đang tồn tại, có mặt gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn”[4]. Trong bối cảnh đó, đất nước cần có sự bứt phá trong sự phát triển; cần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

     Vấn đề tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp và quyết liệt. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hằng hải, hàng không trong khu vực đang đứng trước nhiều tiềm ẩn, nguy cơ lớn… Bởi vậy, đất nước ta cần có sự phát triển bứt phá thì mới giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Trong thời gian tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết thương mại tự do thế hệ mới, khắc phục khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch covid-19 gây ra. Do đó, đất nước cần có sự phát triển bứt phá hơn nữa.

     Có thể nói, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được thể hiện trong Đại hội XIII của Đảng có cơ sở lý luận từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thời đại mới ở Việt Nam - trong mối quan hệ toàn diện; sự đòi hỏi khách quan từ bên ngoài và nhu cầu nội tại, tất yếu từ bên trong; khẳng định xu thế vận động phát triển của đất nước: Đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

     Tài liệu tham khảo:


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 4, tr. 187.

3 Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb CTQG, H, 2021, tập 1, tr.77.

[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb CTQG, H, 2021, tập 1, tr.104.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=quan-diem-khat-vong-phat-trien-dat-nuoc-phon-vinh-hanh-phuc-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-duoi-goc-nhin-cua-hai-nguyen-ly-cua-chu-nghia-mac-lenin
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com