Thứ ba, 27.07.2021 GMT+7

KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM (28/7/1929 - 28/7/2021)


     I. LỊCH SỬ NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

     Ngày 28/7/1929, theo quyết định của Đông Dương Cộng sản Đảng, Nguyễn Đức Cảnh triệu tập hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất, họp tại ngôi nhà số 15 Hàng Nón, Hà Nội. Hội nghị nhất trí thông qua chương trình, điều lệ và phương hướng hoạt động, bầu Ban Chấp hành lâm thời do Nguyễn Đức Cảnh phụ trách.

     Hội nghị quyết định xuất bản Báo Lao động làm cơ quan thông tin, tuyên truyền và Tạp chí “Công hội Đỏ” làm cơ quan lý luận truyền bá quan điểm, chủ trương của Công hội Đỏ trong giai cấp công nhân. Năm 1983, Đại hội V Công đoàn Việt Nam quyết định lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Công đoàn Việt Nam đã từng trải qua khá nhiều lần thay đổi tên tổ chức: 

     - Công hội Đỏ (1929 - 1935)

     - Nghiệp đoàn Ái hữu (1935 - 1939)

     - Hội Công nhân Phản đế (1939 - 1941)

     - Hội Công nhân Cứu quốc (1941 - 1946)

     - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946 - 1961)

     - Tổng Công đoàn Việt Nam (1961 - 1988)

     - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1988 - 2018)

     - Công đoàn Việt Nam (2018 đến nay).

     Có thể khẳng định, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra. Công đoàn Việt Nam được thành lập nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Công đoàn Việt Nam là thành viên của hệ thống chính trị và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là trung tâm tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân, lao động.

     II. ĐÓNG GÓP CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ CÁCH MẠNG

     1Hoạt động Công hội đỏ trong những năm (1930 1945)

     Công hội đỏ đã lãnh đạo công nhân lao động đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, với trận ra quân đầu tiên của công nhân Nhà máy Xe lửa Tràng Thi (Hà Nội), Nhà máy cưa, Nhà máy Diêm Bến Thủy (TP. Vinh - Nghệ An) đúng vào ngày 01/5/1930. Lần đầu tiên tại Việt Nam, đã xuất hiện một hình thức chính quyền mới, chính quyền của những người lao động - chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh.

     Giai đoạn 1936 - 1939, là thời kỳ vận động cách mạng sôi nổi và thắng lợi chưa từng thấy dưới thời Pháp thống trị, nhằm đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình của giai cấp công nhân Việt Namdưới sự lãnh đạo của tổ chức Công hội. Điển hình là cuộc bãi công của 03 vạn công nhân khu mỏ than Hòn Gai (11/1936); công nhân xe lửa tuyến Vinh - Dĩ An (1937); cuộc biểu dương lực lượng của 03 vạn công nhân, lao động Hà Nội trong ngày 01/5/1938.

     Ngày 02/9/1945, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết của Đảng,tổ chức công hội đã vận động  giai cấp công nhântrở thành lực lượng nòng cốt, cùng với nhân dân cả nước đứng lên giành chính quyền, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

     2. Hoạt động Công đoàn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

     Để thống nhất về tổ chức trên phạm vi cả nước, ngày 20/6/1946, tại số nhà 51 Hàng Bồ (Hà Nội), Hội nghị cán bộ cứu quốc được triệu tập. Tại Hội nghị này, Hội công nhân cứu quốc được đổi thành “Công đoàn” và quyết định thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự trưởng thành củagiai cấp công nhân, phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

     Ngày 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công đoàn Việt Nam đã động viên công nhân, viên chức cùng lực lượng vũ trang tham gia kháng chiến chống Pháp.Công đoàn Việt Nam đã góp phần tích cực vào chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc vẻ vang 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh, gian khổ và anh dũng của dân tộc Việt Nam.

     3. Hoạt động Công đoàn trong những năm xây dựng CNXH, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1954 1975)

     Ngày 05/11/1957, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ký Sắc lệnh số 108-SL/L10 về ban hành Luật Công đoàn đã tạo cơ sở pháp lý, nâng cao vị trí của tổ chức Công đoàn, củng cố vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong tình hình mới.

     Trước những yêu cầu mới, Đại hội lần thứ II Công đoàn Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 23 - 27/02/1961 đã quyết định đổi tên “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”. 

     Năm 1965, Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam được thành lập đã không ngừng củng cố và phát triển. Chiến dịch Hồ Chí Minh, Công đoàn giải phóng đã vận động công nhân viên chức và người lao động ở các đô thị đồng loạt nổi dậy, phối hợp với lực lượng vũ trang tiêu diệt địch, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

     4Hoạt động Công đoàn trong những năm cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội (1975 - 1986)

     Ngày 06/6/1976, Hội nghị Công đoàn toàn quốc được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định thống nhất Công đoàn hai miền Nam, Bắc thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”.

     Đại hội lần thứ V Công đoàn Việt Nam tiến hành từ ngày 16-18/11/1983 đã khẳng định mục tiêu: “Động viên công nhân, lao động thực hiện 03 chương trình kinh tế lớn của Đảng, là phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”, Đại hội đã Quyết định lấy ngày 28/7/1929 là Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

     Các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật công nhân, viên chứcvà người lao động đã tạo được bước chuyển biến tích cực, nhiều điển hình tiên tiến và nhân tố mới đã hình thành, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

     5Hoạt động Công đoàn trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986 - 2021)

     Qua 35 năm đổi mớitừ năm 1986, hoạt động Công đoàn đã đạt được kết quả toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên,công nhân viên chứcvà người lao động. Công đoàn đã có những sáng tạo, đề xuất và tổ chức được nhiều chương trình hoạt động mới như: Chăm lo phúc lợi cho đoàn viên công đoàn; tổ chức "Tết Sum vầy" cho người lao động; xây dựng các thiết chế công đoàn, góp phần tháo gỡ những vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hoá… cho người lao động.

     Trong thời gian tới, tổ chức Công đoàn Việt Nam đứng trước thời cơ, thách thức mới khi đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng; cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

     Một là, tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức và người lao động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Hội nghị TƯ 6 (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

     Hai là, chăm lo, làm tốt nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, và trình độ cách mạng của giai cấp công nhân; đào tạo cán bộ xuất thân từ công nhân.

     Ba là, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Công đoàn trong việc tham gia với Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động.

     Bốn là, chủ động phối hợp với chính quyền phát động sâu rộng và tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước; động viên đông đảo công nhân viên chức và người lao động phát huy quyền làm chủ đất nước, đi đầu trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội.

     Năm là, xây dựng bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

     Chặng đường vẻ vang 92 năm qua, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là sau 35 năm đổi mới đất nước. Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chỉ đạo, định hướng đồng thời là cơ sở để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn;với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo xu hướng thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam chính là xây dựng, thúc đẩy giai cấp công nhân trở thành "ngọn cờ đầu" trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là lực lượng chủ lực quyết định sự phát triển của kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=ky-niem-92-nam-ngay-thanh-lap-cong-doan-viet-nam-2871929-2872021
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com