Thứ ba, 27.07.2021 GMT+7

QUY ĐỊNH VỀ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 25/2021/QĐ-TTg NGÀY 22 THÁNG 7 NĂM 2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Chính quyền cơ sở là nơi gần gũi với Nhân dân, nơi hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Các quyền cơ bản của công dân thực hiện như thế nào trong thực tế phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của chính quyền cơ sở. Cùng với quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, công tác tổ chức thực hiện pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Quyền của công dân về tiếp cận thông tin, trong đó có tiếp cận thông tin pháp luật luôn được thể chế hóa trong nhiều văn bản của Đảng và nhà nước.

     Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã xác định rõ: “Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật. Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên giữa chính quyền các cấp, giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp”. (1)

     Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình…” (Điều 25).

     Thực hiện chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành nhiều luật để ghi nhận, bảo đảm quyền được thông tin pháp luật, quyền được tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hỗ trợ, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ, tham gia quản lý nhà nước và xã hội, đồng thời quy định về nội dung, cách thức, hình thức, biện pháp đảm bảo, thực hiện việc tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật. Đây là những chính sách, cơ chế đảm bảo thực hiện, tạo điều kiện cho công dân tiếp cận thông tin, pháp luật. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh, tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội…

     Không chỉ là quyền của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận, tiếp cận pháp luật nói chung và tiếp cận thông tin pháp luật nói riêng mà còn là tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền của chính quyền các cấp ở địa phương thông qua việc công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

     Để có cơ sở pháp lý thực hiện đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quyết định này thay thế cho Quyết định 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017. Nội dung quyết định quy định những vấn đề cơ bản sau:

     Thứ nhất, về Tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

     1. Tiêu chí 1: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn.

     Chỉ tiêu 1: Ban hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao;

     Chỉ tiêu 2: Ban hành đúng quy định pháp luật các văn bản hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.

     2. Tiêu chí 2: Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật.

     Chỉ tiêu 1: Công khai các thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

     Chỉ tiêu 2: Cung cấp thông tin theo yêu cầu kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin;

     Chỉ tiêu 3: Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;

     Chỉ tiêu 4: Triển khai các hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở;

     Chỉ tiêu 5: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho tuyên truyền viên pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;

     Chỉ tiêu 6: Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

     3. Tiêu chí 3: Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý.

     Chỉ tiêu 1: Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

     Chỉ tiêu 2: Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

     Chỉ tiêu 3: Thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý.

     4. Tiêu chí 4: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

     Chỉ tiêu 1: Tổ chức trao đổi, đối thoại với nhân dân theo đúng quy định pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương;

     Chỉ tiêu 2: Tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định trực tiếp các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

     Chỉ tiêu 3: Tổ chức để Nhân dân bàn, biểu quyết các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

     Chỉ tiêu 4: Tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

     Chỉ tiêu 5: Tổ chức để Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

     5. Tiêu chí 5: Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

     Chỉ tiêu 1: Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo;

     Chỉ tiêu 2: Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính;

     Chỉ tiêu 3: Không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

     Chỉ tiêu 4: Đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo đúng quy định pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

     6. Tổng số điểm tối đa của các tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là 100 điểm.

     Thứ hai, về Điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

     Xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:

     1. Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên;

     2. Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên;

     3. Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

     Thứ ba, Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

     1. Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện hàng năm, tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá.

     2. Ủy ban nhân dân cấp xã tự chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; niêm yết công khai kết quả tự chấm điểm, đánh giá; gửi hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá.

     3. Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật để tư vấn, thẩm định giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định công nhận và công bố xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử của cấp huyện trước ngày 10 tháng 02 của năm liền kề sau năm đánh giá.

     4. Hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bao gồm:

     - Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

     - Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu;

     - Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức, cá nhân về kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có);

     - Văn bản đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

     - Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

     Như vậy, so với Quyết định 619/QĐ-TTg thì Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg có nhiều điểm mới về tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, chỉ còn 20/25 chỉ tiêu so với quy định cũ.      Cụ thể: Tiêu chí 01 quy định 02 chỉ tiêu, giảm 01 chỉ tiêu; Tiêu chí 02 quy định 06 chỉ tiêu, tăng 01 chỉ tiêu, Tiêu chí 03 quy định 03 chỉ tiêu, giảm 06 chỉ tiêu; Tiêu chí 04 quy định  05 chỉ tiêu, tăng 02 chỉ tiêu; Tiêu chí 05 quy định 04 chỉ tiêu, giảm 01 chỉ tiêu; 

     Từ thực tiễn triển khai đánh giá, công nhận, xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian qua cho thấy, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước, nhất là tại cơ sở trong khi Đảng, Nhà nước đang chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động và nền hành chính hiện đại, phục vụ Nhân dân.

     Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

     Tài liệu tham khảo:

     (1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Vãn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, T.I, tr.179.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=quy-dinh-ve-xa-phuong-thi-tran-dat-chuan-tiep-can-phap-luat-theo-quyet-dinh-so-252021qd-ttg-ngay-22-thang-7-nam-2021-cua-thu-tuong-chinh-phu
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com