| ||
TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ VỚI MỤC TIÊU THỰC HIỆN QUY ĐỊNH 11-QĐi/TW CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN | ||
Xây dựng trường chính trị chuẩn là yêu cầu cần thiết, là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới. Đây là nhiệm vụ có tính chiến lược lâu dài, đòi hỏi cần phải được nghiên cứu một cách thấu đáo để có cách làm phù hợp. Thực hiện Quy định 11-QĐi/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng trường chính trị chuẩn là nhu cầu, nguyện vọng thiết tha và cấp thiết, là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới. Là cẩm nang để các Trường Chính trị xây dựng kế hoạch phát triển, để các tỉnh, thành ủy có căn cứ chỉ đạo toàn diện hoạt động của các Trường Chính trị tỉnh. Đối với tỉnh Phú Thọ, trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi có Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư: Trường Chính trị được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nhà trường đã được Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm cụ thể hơn, toàn diện hơn. Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện giao nhiều lớp hơn, đặc biệt là các lớp bồi dưỡng theo chức danh, chuyển hướng mạnh mẽ từ đào tạo sang bồi dưỡng. Số lớp bồi dưỡng năm sau cao hơn năm trước, năm 2021 mở 26 lớp bồi dưỡng (có số lượng nhiều nhất từ trước đến nay). Tỉnh đã tăng cường đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất trường học, cấp kinh phí để cải tạo toàn bộ Ký túc xá học viên, khu giảng đường, Hội trường lớn. Đặc biệt là thực hiện công văn của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc đề nghị tỉnh, thành ủy quan tâm chỉ đạo xây dựng phòng họp trực tuyến tại Trường Chính trị. Tỉnh ủy Phú Thọ đã cấp kinh phí từ nguồn tài chính Đảng cho Nhà trường xây dựng phòng họp trực tuyến. Năm 2021, được tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 cho phòng họp này về hệ thống ánh sáng, ốp tường cách âm, sàn nền và các thiết bị khác. Phòng họp trực tuyến được kết nối với Hội trường 250 chỗ ngồi, có màn hình LED. Các hội nghị trực tuyến, truyền hình trực tiếp của Tỉnh ủy, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên của Nhà trường đều có thể theo dõi trực tiếp được. UBND tỉnh quyết định giao cho Nhà trường thực hiện 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh trong 02 năm 2021-2022: “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ cho Trưởng khu dân cư ở tỉnh Phú Thọ trong tình hình mới”. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Tỉnh ủy có chủ trương tiếp tục giao nhiệm vụ mới cho Nhà trường. Đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Ðể phát triển đội ngũ, lãnh đạo nhà trường chủ trương tập trung nâng cao trình độ chuyên sâu, kiến thức thực tiễn, phương pháp sư phạm, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đầu đàn làm nòng cốt đáp ứng yêu cầu mới. Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua các hình thức đào tạo sau đại học và học vị tiến sĩ. Phấn đấu đến năm 2025, các giảng viên cơ bản có trình độ chuyên môn thạc sĩ đúng chuyên ngành giảng dạy; 100% có trình độ Cao cấp lý luận chính trị. Ðồng thời, các giảng viên đều có kỹ năng cập nhật, ứng dụng công nghệ mới trong biên soạn giáo án, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Gắn liền với đó là quá trình quản lý, giáo dục, tạo điều kiện để học viên học tập thực chất; tự giác, học đi đôi với hành, gắn kiến thức cơ bản với kiến thức ứng dụng để sau khi hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu, có thể vận dụng vào hoạt động thực tiễn, xử lý các tình huống công việc phù hợp chức trách từng đối tượng học viên. Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của Trường Chính trị tại các địa phương nói chung và Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ nói riêng. Để thực hiện Quy định 11-QĐi/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy sẽ sớm có chủ trương chỉ đạo xây dựng và phát triển nhà trường đạt được tiêu chí mức 1 trong thời gian trước mắt, có lộ trình phấn đấu đạt tới các tiêu chí ở mức 2, cần quan tâm tháo gỡ các vấn đề sau: Thứ nhất, Lãnh đạo Học viện đề xuất cho phép các Trường Chính trị trong cả nước là đơn vị sự nghiệp được ngân sách Nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên và các hoạt động khác theo dự toán được phê duyệt. Nguồn thu sự nghiệp của các Trường cho phép được sử dụng đầu tư bổ sung để thực hiện các tiêu chí trường chuẩn mức 1: Nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất trường học…vv. Bởi vì, Quy định 09-QĐi/TW của Ban Bí thư nêu rõ: “Tài chính của Trường Chính trị cấp tỉnh do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”, nhưng Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: “Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo – bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030”, có nêu: “Phấn đấu đến năm 2025: 20% Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ một phần chi thường xuyên”. Thứ hai, đề nghị Lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có văn bản gửi về các tỉnh, thành ủy đề nghị xây dựng chương trình công tác năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có nội dung thông qua Đề án xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn mức 1 và lộ trình đạt chuẩn mức 2, tạo sự quan tâm đồng bộ của các Tỉnh, Thành ủy đối với hệ thống các Trường Chính trị trong phạm vi cả nước. Thứ ba, đề nghị lãnh đạo Học viện cho phép các giảng viên Trường Chính trị tỉnh, thành phố có thời gian công tác từ 07 năm trở lên được tham gia học các lớp Cao cấp LLCT tại tỉnh (lực lượng này ở các Trường Chính trị khá đông, nhưng biên chế lại ít, không thể sắp xếp công việc để học tập trung, mặt khác nhiều đồng chí đã đủ tuổi học tại chức). Thứ tư, đề nghị Lãnh đạo Học viện đồng ý cho mở lớp Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đặt tại các Trường Chính trị tỉnh để tạo điều kiện cho các giảng viên Nhà trường, giảng viên các Trung tâm Chính trị được đi học. Thực hiện Quy định 11-QĐi/TW của Ban Bí thư về xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn trong cả nước, đã và đang trở thành động lực quan trọng cho toàn thể cán bộ, giảng viên các Trường Chính trị thêm phấn khởi tự hào về truyền thống, trách nhiệm với hiện tại, khát vọng vào tương lai tươi sáng. Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã và đang phát huy nội lực, dồn sức cho các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cơ bản: Nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; xây dựng chuẩn hóa nội dung, chương trình; quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; chuẩn hóa trong công tác nghiên cứu khoa học; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất - kỹ thuật, tài chính đáp ứng tình hình yêu cầu mới, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX và khát vọng phồn vinh, hạnh phúc mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra. | ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=truong-chinh-tri-tinh-phu-tho-voi-muc-tieu-thuc-hien-quy-dinh-11-qditw-cua-ban-bi-thu-trung-uong-dang-ve-truong-chinh-tri-chuan | ||
|