Thứ bảy, 19.06.2021 GMT+7

ĐỊNH HƯỚNG VỀ THỰC HIỆN VÀ PHÁT HUY DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Định hướng về thực hiện và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu “tăng cường quyền làm chủ trực tiếp và vai trò tự quản của Nhân dân”. Đây không phải là những yêu cầu mới đặt ra, nhưng lâu nay việc thực hiện còn không ít vướng mắc, bất cập, hiệu quả thực thi trên thực tế chưa cao. Bên cạnh những kết quả quan trọng về “thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước”, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ “quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”, tăng cường “dân chủ ở cơ sở”…, thì trên thực tế vẫn còn tình trạng “quyền làm chủ của Nhân dân có lúc, có nơi bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức; tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội 2021, t.1, tr.89). Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó là do nhận thức về dân chủ xã hội chủ nghĩa chưa thống nhất và do những vướng mắc về thể chế, cơ chế trong tổ chức và thực hiện. Trong khi quyền dân chủ trực tiếp và quyền tự quản của Nhân dân ở nhiều nơi đã được thực hiện tốt với nhiều hình thức sáng tạo, thì ở một số nơi vẫn còn hạn chế, chưa thực chất, còn mang tính hình thức. Vẫn còn tình trạng chưa tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, thậm chí có nơi còn vi phạm quyền làm chủ và lợi ích của Nhân dân, của cộng đồng, dân chủ quá trớn và độc đoán, chuyên quyền vẫn xảy ra…, đã gây ra không ít bức xúc xã hội, làm giảm sút niềm tin người dân.

       Xác định yêu cầu “tăng cường quyền làm chủ trực tiếp và vai trò tự quản của Nhân dân” chính là phương thức để phát huy hiệu quả tích cực, thực tế vai trò là chủ và làm chủ của người dân trong đời sống xã hội, vì “Dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ; Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước”; Đồng thời thể hiện đúng đắn và đầy đủ hơn bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - chế độ xã hội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch nước đều phân công làm đầy tớ cho dân” (Hồ Chí Minh). Dân chủ ngày càng được thể hiện trong tất cả các mối quan hệ xã hội của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Dân chủ chân chính và cao nhất chính là quyền làm chủ của Nhân dân đối với Nhà nước và xã hội. Dân chủ trực tiếp là hình thức dân chủ mà qua đó Nhân dân bằng hành vi của mình trực tiếp thực hiện quyền làm chủ trong hoạt động Nhà nước và xã hội.

       Phát huy dân chủ, “tăng cường quyền làm chủ trực tiếp và vai trò tự quản của Nhân dân” là phương hướng, mục tiêu bao trùm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thể hiện bản chất ưu việt của chế độ, là thước đo, tiêu chí đánh giá tính chất của dân, do dân, vì dân.Từ yêu cầu “tăng cường quyền làm chủ trực tiếp và vai trò tự quản của Nhân dân”, đặt ra nhiệm vụ tiếp tục nhận thức rõ hơn về nội dung, tính chất về quyền dân chủ của Nhân dân trong điều kiện hiện nay, đó là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong cơ chế tổng thể của hệ thống chính trị “Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, các điều kiện và cách thức vận hành để thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa, theo tinh thần “Chính sách của Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới đều phải hết sức chăm nom đến đời sống nhân dân” (Hồ Chí Minh). Phải bảo đảm tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân dưới mọi hình thức, phát huy dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử; thực hiện tốt dân chủ trực tiếp - “tăng cường quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân”. Phát huy vai trò tích cực của Nhân dân trong việc tự quản, tự quyết định, tự quản lý của mỗi cộng đồng theo quy định của pháp luật. Phát huy dân chủ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, tạo điều kiện mở rộng dân chủ thực chất, có chất lượng và hiệu quả; Người dân được thông tin về chủ trương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách có liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích của người dân. Đảng và Nhà nước cần có cơ chế, quy chế, hình thức để Nhân dân được bàn bạc, tham gia ý kiến và phải được xem xét khi xây dựng, thực hiện chủ trương, chính sách, nhiệm vụ ở cơ sở. Hoàn thiện cơ chế để Nhân dân trực tiếp và thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thanh tra nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền. Mở rộng các hình thức tự quản để Nhân dân tự bàn bạc và thực hiện những việc mang tính xã hội hóa trong khuôn khổ pháp luật, có sự hỗ trợ của chính quyền, Nhân dân được bàn và quyết định những việc liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân trên địa bàn, theo quy định của pháp luật. Phát huy dân chủ gắn với kỷ cương, tăng cường pháp chế, gắn kết giữa quyền, quyền hạn với nghĩa vụ, lợi ích với trách nhiệm; chống chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của người dân. Cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội, bảo đảm quyền dân chủ và quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân.

        Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp, nhất là thực hành dân chủ ở cơ sở và “tăng cường quyền làm chủ trực tiếp và vai trò tự quản của Nhân dân”. Làm tốt và thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải là nền tảng chính trị - pháp lý để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội 2021, t.1, tr.173). Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên các lĩnh vực đời sống xã hội, bảo đảm để Nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra quyết định liên quan lợi ích, cuộc sống của Nhân dân. Củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=dinh-huong-ve-thuc-hien-va-phat-huy-dan-chu-xa-hoi-chu-nghia-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com