Thứ hai, 14.06.2021 GMT+7

VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY BÀI “PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM”

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta được xác lập gắn với quá trình hình thành và phát triển nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cùng với sự vận động của quá trình đổi mới tư duy kinh tế, Đảng đã nhìn nhận ngày càng sáng rõ hơn những mặt tích cực và sự tồn tại khách quan của cơ chế thị trường trong nền kinh tế nước ta thời kỳ quá độ.

     Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mới, với nhiều thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Đại hội đánh dấu chặng đường 35 năm đổi mới đất nước, đánh dấu 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 10 năm Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). Đặc biệt, Đại hội lần này cũng đánh dấu một năm vượt khó thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020. Đồng thời, qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhận thức, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã từng bước hình thành, được bổ sung, phát triển ngày càng hoàn thiện, phù hợp với quy luật khách quan, thực tiễn của đất nước và xu hướng chung của thế giới, của thời đại.

     Môn học “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội”, bài đầu tiên “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”. Đây là bài học trang bị cho học viên những kiến thức về kinh tế thị trường, các yếu tố của nền kinh tế thị trường; giúp học viên nắm vững bản chất và đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta; cung cấp những vấn đề thực tiễn về kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay và các giải pháp để tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Trong quá trình giảng dạy, để hiểu và làm rõ hơn quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, giảng viên cần cập nhật những nội dung mới, quan điểm mới về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII vào bài giảng, cụ thể như sau:

     Thứ nhất, về quan niệm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

     Trong nội dung Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Báo cáo Chính trị nêu rõ nội hàm của kinh tế thị trường định hướng XHCN như sau: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

     Thứ hai, về các đặc trưng của nền kinh tế thị trường.

     Mục tiêu phát triển của nền kinh tế.

     Đại hội xác định mục tiêu tổng quát của nền kinh tế: đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Và mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

     Chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế.

     Theo Văn kiện Đại hội XIII, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam hiện nay có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

     Kinh tế nhà nước được khẳng định là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng điều tiết dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường.

     Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.

     Kinh tế tư nhân được khẳng định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hỗ trợ thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao.

     Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng của kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

     Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

     Văn kiện lần này cũng nêu rõ mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội. Điểm mới nổi bật chính là trong quan hệ này bổ sung thêm nhân tố xã hội. Trong đó cũng nêu rõ vai trò của nhà nước, thị trường và xã hội trong mối quan hệ chung. Nội dung xã hội được hiện ở chỗ các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật.

     Trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường vừa qua đã xác định một trong những cản trở chính là hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, chồng chéo, ảnh hưởng đến phát triển nói chung. Đồng thời, trước yêu cầu phát triển mới, đặc biệt tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều ngành nghề mới ra đời cần phải có môi trường pháp lý đảm bảo cho sự phát triển. Vì vậy, Văn kiện nêu rõ, “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phát triển kinh tế số, hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới. Tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…”

     Bên cạnh các nội dung cụ thể cần được cập nhật vào bài giảng thì giảng viên cũng cần phải bổ sung những thành tựu trong phát triển kinh tế thị trường được đưa ra trong Văn kiện Đại hội XIII vào bài giảng, như: Tăng trưởng kinh tế khá cao trong điều kiện khó khăn (thiên tai, dịch bệnh, môi trường quốc tế không thuận lợi), kinh tế vĩ mô ổn định khá vững chắc, cán cân thương mại được cải thiện,cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đời sống nhân dân được nâng cao… Đồng thời, bổ sung những giải pháp được đưa ra trong “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030)” vào nội dung phần 2.4 về “Các giải pháp chủ yếu để phát triển Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam” của bài như: Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh; Bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường; Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo…; Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và thực hiện hiệu quả các quy hoạch; Cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ người dân, doanh nghiệp…

     Như vậy, từ việc nghiên cứu về phát triển kinh tế thị trường trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, vận dụng bổ sung vào bài giảng “ Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ” để cập nhật những quan điểm, mục tiêu, giải pháp về phát triển kinh tế thị trường của Đảng ta nhằm giúp học viên nhận thức rõ hơn về mô hình Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay và nâng cao chất lượng của bài giảng.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-vao-giang-day-bai-phat-trien-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com