Chủ nhật, 13.06.2021 GMT+7

QUAN ĐIỂM VỀ ĐỘNG LỰC VÀ NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng xác định: “Nhận thức đúng và xử lý tốt các nhân tố tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập; kết hợp hài hòa các lợi ích; phát huy lòng yêu nước, tinh thần độc lập; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy nhân tố con người; vai trò của khoa học, công nghệ” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.76).

        Kế thừa nội dung định hướng của Đại hội XII và bổ sung những nhân tố động lực mới, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng hoàn thiện quan điểm về động lực phát triển đất nước trong thời kỳ mới: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài; ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.110). Với quan điểm toàn diện này, cho thấy về nhân tố dân tộc, đồng thời với lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Báo cáo chính trị nhấn mạnh ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc - là nguồn năng lượng nội sinh to lớn và động lực trung tâm của quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai. Về nhân tố chính trị, kế thừa phát huy dân chủ, Báo cáo chính trị bổ sung quan điểm bồi dưỡng sức dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Nhân tố con người được gắn kết với nhân tố văn hóa, được bổ sung nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài; nhân tố khoa học, công nghệ được đề cao, nhấn mạnh, gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

        Từ nhận thức đầy đủ quan điểm về động lực phát triển đất nước, cần nhấn mạnh các nội dung cơ bản, đó là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Để khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước cần phải phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc; chỉ có đoàn kết mới tập hợp được sức mạnh của nhân dân - nguồn lực nội sinh của cộng đồng dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước. Đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cần “đổi mới sáng tạo”, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động to lớn đối với đời sống xã hội, tác động mạnh mẽ tới các lĩnh vực, các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…; tạo ra sự thay đổi căn bản về khả năng kết nối giữa con người với công nghệ; khả năng minh bạch thông tin; khả năng giải quyết những công việc phức tạp với trình độ rất cao. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra đột phá về công nghệ trong quá trình sản xuất và tiêu dùng, giúp tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo ra lượng của cải khổng lồ, tạo cơ sở cho quá trình hội nhập, sản xuất toàn cầu để phục vụ nhân loại. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động làm thay đổi tư duy quản lý, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; góp phần hình thành tư duy độc lập, sáng tạo, tăng tính logic với tầm nhìn ngày càng toàn diện và khoa học; hình thành và thúc đẩy khả năng làm việc hiệu quả, cổ vũ lối sống văn hóa hiện đại, lành mạnh, văn minh; tạo giá trị chung cho toàn nhân loại. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội; mô hình quản lý của chính phủ điện tử, quản trị thông minh làm thay đổi căn bản khả năng kết nối và tương tác xã hội, đem lại hiệu quả to lớn cho hệ thống quản lý, tạo sự minh bạch, công bằng, bình đẳng và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Cách mạng  công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ và sâu sắc đối với mọi lĩnh vực đời sống, tạo động lực cho sự phát triển và tiến bộ xã hội. Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cùng với việc tiếp thu những thành tựu của khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, thì việc đổi mới sáng tạo của con người và phát huy đầy đủ nguồn lực con người là yếu tố có ý nghĩa quyết định căn bản cho sự phát triển nhanh và bền vững của nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

        Huy động, sử dụng, phát huy hiệu quả các nguồn lực là điều kiện tiên quyết cho phát triển đất nước. Nguồn lực quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cần được nhìn nhận theo tư duy và cách tiếp cận mở, gắn nguồn lực trong nước với nguồn lực ngoài nước theo tinh thần giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tự lực, tự cường; đồng thời tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, kết hợp hài hòa nội lực và ngoại lực, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Theo đó, cần tránh khuynh hướng vọng ngoại, quá trông chờ, chú trọng dẫn tới lệ thuộc vào nguồn lực bên ngoài, hoặc khuynh hướng biệt lập, tuyệt đối hóa vấn đề tự lực cánh sinh, đề cao một chiều nguồn lực trong nước, tách rời nguồn lực trong nước với nguồn lực ngoài nước. Với tư duy biện chứng và từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, trực tiếp là kinh nghiệm đổi mới, hội nhập quốc tế, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng xác định quan điểm về nguồn lực phát triển đất nước trong thời kỳ mới: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.110, 111). Sức mạnh dân tộc bao gồm những nguồn lực, những tiềm lực tự nhiên và xã hội - chính là tổng hợp những lợi thế, những nguồn lực nội sinh của dân tộc Việt Nam - những lợi thế, những nguồn lực này bao hàm trong toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại…, là tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực con người, là tổng thể những giá trị vật chất, tinh thần, truyền thống văn hoá... Sức mạnh dân tộc là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của đất nước, Việt Nam luôn có những ưu thế về mặt văn hoá và con người, và đó là những nguồn lực nội sinh giữ vị trí trung tâm của phát triển. Con người Việt Nam với những sức mạnh về văn hoá, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, độc lập tự chủ và đổi mới sáng tạo… chính là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, là chủ thể của sự khai thác, huy động, sử dụng và kết hợp các lợi thế, các nguồn nội lực khác để phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.Nguồn lực con người, sức mạnh con người không chỉ đơn thuần biểu hiện ở từng cá nhân con người Việt Nam, mà còn biểu hiện ở sức mạnh tập thể, sức mạnh cộng đồng. Vì thế, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất và luôn được xác định là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối, chiến lược của Đảng để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

        Việc “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”, đòi hỏi phải tiếp tục “cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh các nguồn vốn quốc tế” và "khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực về vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.139, 236). Cần tận dụng tối đa các cơ hội và nguồn lực bên ngoài, sức mạnh thời đại phục vụ cho sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những nguồn lực thuộc về lĩnh vực vật chất, thì những giá trị tinh thần mà nhân loại đạt được, những giá trị được xác định là những sức mạnh thời đại, cũng là nguồn ngoại lực cần thiết, quý giá mà Việt Nam cần tiếp thu. Các yếu tố ngoại lực là đặc biệt quan trọng, không thể thiếu để hiện đại hoá đất nước; nhưng yếu tố ngoại lực chỉ có thể phát huy tác dụng khi được tiếp nhận và chuyển hóa thành sức mạnh bên trong, thành nội lực của dân tộc Việt Nam để xây dựng, bảo vệ và phát triển Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với quan điểm nguồn lực nội sinh giữ vị trí trung tâm và nguồn lực con người là quan trọng nhất, cần “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” đã được thể hiện nhất quán tại Đại hội XIII của Đảng.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=quan-diem-ve-dong-luc-va-nguon-luc-phat-trien-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com