Thứ bảy, 05.06.2021 GMT+7

BÀI HỌC LẤY DÂN LÀM GỐC VÀ QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN NGUỒN LỰC CON NGƯỜI TRONG NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Tư tưởng “lấy dân làm gốc”, chăm lo tới đời sống người dân luôn là tư tưởng chính thống, chủ đạo, là quy chuẩn quan trọng nhất, là “sách lược ngàn năm” dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. “Lấy dân làm gốc” cũng luôn là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng, là nhân tố quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

        Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thực sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thể hiện và bổ sung trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nước không thể không có dân, dân chính làgốc rễ,là nền tảng, là sức mạnh, là trí tuệcủa đất nước.“Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” (Hồ Chí Minh).Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội XIII, tư tưởng “lấy dâm làm gốc” đã được đúc kết thành bài học, với những nguyên tắc cơ bản, định hướng mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn tới. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định các giá trị, nội dung cốt lõi của bài học “lấy dân làm gốc”, đó là: Phải luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước; Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của Nhân dân; Phát huy và bảo đảm tốt hơn, thực chất hơn quyền làm chủ của Nhân dân; Để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống thì lợi ích của Nhân dân phải là trước hết và trên hết trong chu trình hoạch định, ban hành và triển khai thực hiện chính sách; Nhân dân phải là người được thụ hưởng thành quả của quá trình đổi mới và phát triển. Bài học “lấy dân làm gốc” càng trở nên sâu sắc và có ý nghĩa hơn khi được thực thi một cách hiệu quả cùng với phát huy tối đa nguồn lực con người Việt Nam.   

        Quan điểm về nguồn lực con người, đề cao nhân tố con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển là tư tưởng nhất quán của Đảng. Kế thừa và phát triển quan điểm được trình bày trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020: “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”; quán triệt sâu sắc tư tưởng chủ đạo của Đại hội XIII là phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã bổ sung làm sâu sắc, phong phú hơn quan điểm về nguồn lực con người: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm phát triển bền vững; phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân”. Để phát huy sức mạnh nguồn lực con người, thì cần phải hết sức quan tâm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thực hiện đầy đủ các quyền con người, quyền lợi của người dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Đồng thời cần bảo vệ an ninh con người - bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013. TạiĐại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên xác định “an ninh con người”, bảo vệ “an ninh con người”, đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động. Bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng.

        Nhân tố con người chỉ được khai thác và phát huy tối đa khi con người thực sự làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân. Để phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của con người trong mọi hoạt động thì nhất thiết phải xây dựng và thực hiện một cơ chế thực sự dân chủ; trong đó ngày càng quan tâm đến dân chủ trực tiếp nhằm hiện thực hóa những giá trị dân chủ xã hội chủ nghĩa trong đời sống xã hội. Việc phát huy dân chủ không chỉ tạo cơ hội thuận lợi cho tất cả mọi người có thể cống hiến năng lực của mình cho xã hội, mà còn có ý nghĩa tạo điều kiện cho việc thực hiện cơ chế phản biện xã hội với tinh thần lành mạnh, xây dựng và phát huy trách nhiệm công dân. Thông qua quá trình dân chủ hóa, nguồn lực con người, trí tuệ của toàn dân được huy động và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

       Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh nguồn lực con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII nhấn mạnh yêu cầu về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát triển nền văn hóa chính là phát triển con người và ngược lại. Cùng với chủ trương gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; sự tăng cường và gắn kết xây dựng nguồn lực con người và nền văn hóa trong một thể thống nhất sẽ là cơ sở vững chắc để “khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển”, làm cho nguồn lực con người và văn hóa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=bai-hoc-lay-dan-lam-goc-va-quan-diem-phat-trien-nguon-luc-con-nguoi-trong-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com