Thứ tư, 02.06.2021 GMT+7

CỦNG CỐ, TĂNG CƯỜNG NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN ĐỐI VỚI ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Tổng kết 35 năm đổi mới đất nước, khẳng định Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử; đồng thời cho thấy Việt Nam đang trong quá tình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặt ra nhiều vấn đề mới, sự phát triển đa dạng, năng động và yêu cầu cao hơn về đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với nhiều nội dung quan trọng, xác định đường hướng phát triển đất nước, đang được triển khai rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong Nghị quyết, Đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm mọi chủ trương, chính sách phát triển phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân; lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

        Mục tiêu tổng quát phát triển đất nước trong những năm tới, có nội dung “… Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa…”. So với Nghị quyết Đại hội XII, có bổ sung cụm từ “toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Bổ sung từ “toàn diện” vào nội dung “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” là nhấn mạnh yêu cầu xây dựng đồng bộ sự trong sạch, vững mạnh đối với tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và trong mỗi tổ chức cần xây dựng toàn diện cả về tổ chức, cán bộ, phương thức hoạt động; với cán bộ, đảng viên phải xây dựng toàn diện cả về đạo đức, tư tưởng chính trị, tác phong lề lối làm việc, năng lực và ý thức tổ chức kỷ luật. Bổ sung cụm từ “củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”, bởi trong những năm vừa qua tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Một trong những yêu cầu, mục tiêu quan trọng, cấp thiết của công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện là phải củng cố được niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và đó là nền tảng chính trị bảo đảm vai trò, vị thế, uy tín, sức mạnh của Đảng, của Nhà nước, sự bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

        Cần quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc “lấy dân làm gốc”; củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy chế phát huy dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân, chăm lo đời sống của Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Chính sách của Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới đều phải hết sức chăm nom đến đời sống nhân dân”; “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết thảy các vấn đề dầu khó khăn đến đâu - những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân” (Hồ Chí Minh). Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Người cũng đã nhiều lần chỉ dạy “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc; già không lao động được thì nghỉ; những phong tục tập quán không tốt dần được xóa bỏ… Tóm lại xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”. Mục đích của chủ nghĩa xã hội “Nói một cách đơn giản và dễ hiểu: "Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động” (Hồ Chí Minh).

        Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”, cần quantâm thực hiện một số nội dung cơ bản sau đây:

        Xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng; Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong, gương mẫu “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân”, có trách nhiệm cao trong công việc; có bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó.

        Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, thường xuyên tìm hiểu tình hình đời sống, nguyện vọng của Nhân dân. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng của Nhân dân.

         Tiếp tục thể chế hóa, nâng cao chất lượng các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên các lĩnh vực đời sống xã hội; bảo đảm để Nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra quyết định, chính sách liên quan tới lợi ích và cuộc sống của Nhân dân. Tiếp tục quan tâm thực hiện quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

        Chú trọng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là điều kiện sống, lao động, việc làm, học tập, sáng tạo... Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống Nhân dân; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, sự an toàn cho người dân (Mục tiêu lớn nhất lúc này là ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe của người dân, đồng thời bảo đảm sản xuất, kinh doanh không bị đứt gẫy. Do đó, các bộ, ngành và các địa phương cần huy động tổng lực, thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh.Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân cả nước cần vào cuộc tích cực, vượt qua những khó khăn, hạn chế, dự báo được tình hình, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm, nỗ lực lớn để phòng, chống và chiến thắng dịch bệnh COVID-19).

        Xây dựng, thực hiện quy định lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nười dân đối với cơ quan, cán bộ công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; có hình thức xử lý với tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp. Xây dựng, thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng chống suy thoái,“tự diễn biến”,“tự chuyển hóa”. Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cán bộ, đảng viên phải hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân; không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, đất nước và Nhân dân; lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Phải nói đi đôi với làm, tạo uy tín tốt trong Nhân dân, làm gương để Nhân dân noi theo; tiền phong, gương mẫu, có trách nhiệm và chịu trách nhiệm cao nhất trong công việc và trong cuộc sống, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=cung-co-tang-cuong-niem-tin-cua-nhan-dan-doi-voi-dang-nha-nuoc-va-che-do-xa-hoi-chu-nghia
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com