Thứ năm, 27.05.2021 GMT+7

KỶ NIỆM VỀ ''BÚP SEN XANH'' TRONG TÔI NGÀY ẤY

Mùa hè năm 1982, khi hoa phượng nở và lũ ve da diết kêu hè về, lũ trẻ con chúng tôi lại bước vào một mùa hè với 03 tháng tha hồ lang thang trên những con đường và cánh đồng của làng quê Cẩm Khê. Nhưng mùa hè năm 1982, lại là một mùa hè đặt biệt với tôi và các bạn, đó là khi nhà trường và cô giáo chủ nhiệm thông báo vào một ngày đầu tháng 6, hôm nay có một đoàn cán bộ của trung ương sẽ về tại Hội trường lớn của Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Khê, làm chương trình giao lưu giới thiệu tác giả và cuốn sách “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng viết về Bác Hồ kính yêu, các trường học ở trung tâm huyện trong đó có trường tôi sẽ được giao lưu vào buổi tối, còn các trường lân cận giao lưu vào ban ngày.

     Từ lúc chưa đến 7 giờ tối, tôi đã cùng các bạn học có mặt ở hội trường, ngồi ngay hàng ghế đầu. Một lát sau người dẫn chương trình và nhà văn Sơn Tùng xuất hiện, cả hội trường vỗ tay rào rào. Sau đó người dẫn chương trình đã giới thiệu về nhà văn Sơn Tùng cho tất cả mọi người nghe: Tác giả Sơn Tùng sinh năm 1928, nguyên quán ở Nghệ An. Gia đình ông có quan hệ họ hàng với gia đình Bác Hồ: Bà nội Sơn Tùng (Cụ Hà Thị Tự) là cháu họ bà nội Hồ Chí Minh (Cụ Hà Thị Hy). Từ 1944 đến 1971, là 27 năm Sơn Tùng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoạt động trên các lĩnh vực tuyên huấn, tuyên truyền, huấn luyện, quân sự, phóng viên. Sau chiến tranh, là một thương binh hạng 1/4, mất 81% sức khỏe, Sơn Tùng vẫn tiếp tục kiên trì và đầy nỗ lực cầm bút với vai trò là phóng viên cho các tờ báo và là cây bút chuyên viết về Hồ Chí Minh, những nhà cách mạng hiện đại cũng như các danh nhân văn hóa của dân tộc.

     “Búp sen xanh” là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của nhà cách mạng, nhà văn Sơn Tùng viết về chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm tái hiện lại cuộc đời lãnh tụ Hồ Chí Minh từ lúc cất tiếng khóc chào đời tại làng Chùa quê ngoại, cho đến khi rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Để hoàn thành “Búp sen xanh”, tác giả Sơn Tùng đã dày công sưu tầm tư liệu có liên quan và chấp bút trong thời gian dài, bắt đầu từ năm 1948 và hoàn thành năm 1980. Sau khi giới thiệu sơ lược tác giả và tác phẩm người dẫn chương trình đã mời nhà văn Sơn Tùng lên giao lưu với khán giả và kể những câu chuyện về Bác Hồ trong tác phẩm Búp sen xanh.

     Tất cả hội trường gần 300 người, trong đó có tôi im phăng phắc, như nuốt từng lời kể chuyện của nhà văn Sơn Tùng. Dưới giọng kể đầm ấm, truyền cảm của nhà văn, tuổi thơ của Bác hiện lên trong tâm trí mỗi người qua hình ảnh lũy tre làng, đầm sen quen thuộc của mỗi làng quê Việt Nam. Một chiều hè, bên gốc đa làng Chùa, trong ngôi nhà nhỏ phía đầm sen cậu bé Côn ra đời, hòa âm tiếng khóc trong tiếng gà gọi con lên ổ, tiếng bò gọi bê vào chuồng, tiếng chim kêu ríu rít trên mái nhà, tiếng lá reo, tiếng đồng xa vọng về… Với một thứ ngôn từ vừa mộc mạc như đất, vừa vững chãi như núi - Sơn Tùng đã phác họa một cách sắc sảo, sống động, và đầy chân thật những năm tháng đầu đời của vị cha già dân tộc Việt Nam, bằng thể loại văn học đặc biệt gọi là tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết lịch sử là một thể loại tiểu thuyết, chuyên viết về những nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử. Đồng thời đó là tiểu thuyết, không thể giản đơn và sơ lược về sự kiện và nhân vật như truyện sử hay ký sự lịch sử, mà còn tái hiện sinh động cuộc sống con người đi cùng  không khí thời đại. Có tâm hồn, có cá tính, có trang phục, có nhà ở, có đồ dùng, có lời ăn tiếng nói, có bài ca, có trò chơi…

     Nghe nhà văn Sơn Tùng kể chuyện lịch sử “Búp sen xanh”, lũ trẻ con chúng tôi như được sống, trải nghiệm qua ký ức với làng quê xứ Nghệ những năm cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, nơi ấy là làng Chùa quê ngoại, làng Sen quê nội của Hồ Chí Minh, với những câu dân ca, bài vè, câu ví dặm… Và, còn tưởng như ngửi được cả hương sen tinh khiết, chính là loại hương sen từ ngoài đầm bay theo gió pha lẫn mùi hương lúa đồng quê tỏa ra ngào ngạt thuở ấy. Với ba chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”, “Búp sen xanh” được viết theo dấu chân của cậu bé Côn thuở ấu thơ đi qua những biến thiên lịch sử của đất nước, của gia đình nội ngoại hai bên và dần định hình nhân cách. Để đến ngày 05/06/1911, tại Bến Nhà Rồng, có một chàng thanh niên tên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường giải phóng dân tộc. Xen kẽ giữa giọng kể của nhà văn Sơn Tùng là những lời ca tiếng hát của đội văn nghệ phòng văn hóa của huyện hát về Bác Hồ với nhiều bài hát nổi tiếng lay động lòng người.

     Mẹ tôi đã mua cho mấy chị em tôi cuốn sách Búp sen xanh từ buổi tối hôm ấy và thêm vài ấn phẩm viết về Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng. Mùa hè năm ấy chúng tôi có sách hay để đọc, mấy chị em truyền tay nhau đọc sách đến thuộc lòng từng chi tiết. Đọc sách về Bác để hiểu thêm về cuộc đời của một vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc, để thấy được tình yêu của mình với quê hương đất nước, để phấn đấu học giỏi, trở thành người có ích cho tổ quốc.  

     Sau này, khi lớn lên, trưởng thành qua nhiều môi trường học tập, công tác. Khi có con, tôi lại tìm mua cuốn sách Búp sen xanh về đọc cho bọn trẻ nghe. Trong mọi bản in của “Búp sen xanh”, đều có một lời đề từ trang trọng của tác giả Sơn Tùng: “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời”. Và chính cuốn tiểu thuyết lịch sử “Búp sen xanh” là minh chứng cho câu nói trên. “Côn” có nguồn gốc từ sự tích loài cá hóa chim bằng, mong rằng có chí vùng vẫy bốn bể, dù gặp truân chuyên chìm nổi, nhưng ắt thành công, nên tự là “Tất Thành”. Tên của Bác do ông ngoại - cụ đồ Hoàng Xuân Đường đặt cho - cái tên đã vận vào Người. Gia đình Bác là một gia đình nhà nho yêu nước, luôn dạy con cháu điều hay lẽ phải. Đây là gia đình của một nhà nho có tầm thời bấy giờ, nhưng không bao giờ khinh nhờn những kẻ nghèo mạt, tật nguyền, trái lại còn hết lòng đỡ đần, yêu thương, giúp đỡ. Đây là gia đình của một nhà nho hay đi dạy học cho con của quan lớn trong triều đình, nhưng không bao giờ vin vào đó mà tư lợi cho bản thân. Truyền thống hiếu học, thanh bạch và yêu nước của gia đình, với tình người dung dị của quê nhà xứ Nghệ đã thấm nhuần trong tâm hồn Bác. Ở đấy có có làng Sen, có khung dệt vải của mẹ, có lời dạy của cha, có lời ca của ông Xẩm, có chị Thanh anh Khiêm, có những người bạn và những kỷ niệm ấu thơ. Ở đấy có xứ Huế, trong cuộc sống nghèo khổ mang theo nỗi trăn trở tuổi trẻ về con người và về vận mệnh dân tộc. “Búp sen xanh” là nơi tiểu thuyết và lịch sử giao thoa để cùng nhau cụ thể hóa và trọn vẹn hóa quá trình hình thành một nhân cách cao đẹp, sáng trong của lãnh tụ Việt Nam.

     Đã nhiều năm trôi qua kể từ năm 1982, tác phẩm Búp sen xanh đã trở thành tác phẩm gối đầu giường của nhiều thế hệ con người Việt Nam. “Búp sen xanh” không chỉ là câu chuyện về lãnh tụ, đây còn là câu chuyện để làm người. Là hành trang cho nhiều thế hệ trẻ Việt Nam trong đó có tôi thêm yêu quê hương đất nước Việt Nam, kính yêu lãnh tụ Hồ Chí Minh - vị cha già của dân tộc. Và tiếp bước con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, sánh vai với bạn bè năm châu và quốc tế.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=ky-niem-ve-bup-sen-xanh-trong-toi-ngay-ay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com