Thứ sáu, 14.05.2021 GMT+7

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Ngày 23/5/2021, thực hiện quyền công dân, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, theo quy định của Hiến pháp và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

         Hiến pháp năm 2013, Điều 69 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập Hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”; Điều 113 quy định: “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân”. Điều 27 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”.

         Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đi bầu cử không chỉ là thực hiện quyền công dân, mà cần thấm nhuần sâu sắc tinh thần của Hiến pháp năm 2013, được quy định tại Điều 15: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân… Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội”. Với nhận thức đó, cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu, nêu gương tốt trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là cùng với các cấp, các ngành, các địa phương phấn đấu để cho ngày bầu cử thật sự trở thành ngày hội của non sông đất nước; ngày mà người dân cả nước thực hành quyền dân chủ, sáng suốt lựa chọn được những người đủ đức, đủ tài, đủ bản lĩnh và phải hết lòng, hết sức “phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

         Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm thực hiện “đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25). Nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trước tình hình đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phải ra sức phấn đấu, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đặt ra. Đối với nhiệm vụ quan trọng này, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần phải:

         Thứ nhất, nhận thức sâu sắc đây là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến những vấn đề quốc kế dân sinh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là trực tiếp thực hiện quyền dân chủ, đồng thời thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”(Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 332). Do đó, cán bộ, đảng viên của Đảng, trên cương vị được phân công nhiệm vụ phải tích cực tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về cuộc bầu cử này. Gương mẫu trong lời nói và việc làm, góp phần làm cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại địa phương, đơn vị thành công tốt đẹp. 

         Thứ hai, cần ý thức được quyền và trách nhiệm của mình đối với sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Tích cực thể hiện quyền làm chủ từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử, tham gia các hội nghị cử tri nơi cư trú để đóng góp ý kiến, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử, đến giai đoạn trực tiếp đi bầu cử, thông qua phiếu bầu cử, đều phải nêu gương trách nhiệm trước người dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải là một tấm gương mẫu mực để cử tri ở các đơn vị bầu cử noi theo, để góp phần thiết thực làm cho ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội toàn dân, ngày sinh hoạt chính trị dân chủ của đồng bào, nhân dân cả nước, trong điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Đồng thời, giúp cho cử tri thấy rõ việctham gia bầu cử chính là để cử tri phát huy quyền dân chủ của mình trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước. Giúp cử tri thấy rõ tầm quan trọng của “quyền công dân” được thể hiện trong từng phiếu bầu của họ, làm cho lá phiếu bầu của quần chúng cử tri có tầm nhìn và ý nghĩa hơn trước vận mệnh đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đó cũng là cách thể hiện thái độ tôn trọng, phát huy quyền dân chủ của người dân trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

         Thứ ba, cần tuyên truyền, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận tại Điều 4. Sự lãnh đạo của Đảng trong suốt quá trình bầu cử là một tất yếu nhằm lựa chọn được những người tiêu biểu, xứng đáng nhất, có đủ các tiêu chuẩn theo quy định, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có năng lực, có điều kiện thực thi nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; bảo đảm cơ cấu và chất lượng đại biểu. Đó là là cơ sở pháp lý giúp cho việc hình thành các cơ quan nhà nước trong nhiệm kỳ mới, bảo đảm tính liên thông, thống nhất với kết quả Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, biểu thị rõ thái độ dứt khoát, bản lĩnh trước các luận điệu mị dân, xuyên tạc của các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị; đấu tranh phản bác thông tin sai trái, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước; góp phần giữ vững thế trận lòng dân trước sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội. Đó cũng là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

         Thứ tư, phải xác định đây là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự soi lại mình; tự rèn luyện, thực hành và làm theo lời dạy của Bác về “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, và qua đó cố gắng làm thật tốt trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sắp tới đạt kết quả tốt nhất. Thực hiện thành công cuộc bầu cử sẽ thiết thực góp phần xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải “nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội; thực hiện đúng đắn, có hiệu quả dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện” trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=trach-nhiem-cua-can-bo-dang-vien-cong-chuc-vien-chuc-trong-cuoc-bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-va-dai-bieu-hoi-dong-nhan-dan-cac-cap-nhiem-ky-2021-2026
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com