Thứ sáu, 07.05.2021 GMT+7

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - BIỂU TƯỢNG TINH THẦN QUẬT CƯỜNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Cách đây 67 năm, lịch sử dân tộc Việt Nam ghi nhận một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc - thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 07 tháng 5 năm 1954. Thắng lợi Điện Biên Phủ đã chấm dứt hoàn toàn 09 năm dân tộc Việt Nam trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng bước vào con đường xây dựng CNXH. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi của đường lối lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng đồng thời cũng là thắng lợi của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trở thành một biểu tượng tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam trong chặng đường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

     Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam chính thức bắt đầu. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam trong cuộc đối đầu không cân sức với thực dân Pháp trên tất cả các mặt:

      Về kinh tế: Pháp là một nước công nghiệp phát triển, khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến. Còn Việt Nam vẫn là một nước thuần nông, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ là chủ yếu.

      Về quân đội, vũ khí phương tiện chiến tranh: Quân đội của Pháp là quân đội “nhà nghề, thiện chiến”, phương tiện chiến tranh nhiều với nhiều quân chủng (bộ binh, thủy binh, pháo binh…) hiện đại, vũ khí đầy đủ. Phía Việt Nam quân đội “non trẻ” về trình độ tác chiến, chưa có kinh nghiệm đấu tranh, phương tiện chiến tranh ít và thô sơ (chủ yếu bộ binh), vũ khí thô sơ, thiếu thốn (không có máy bay, tàu chiến).

      Về mối quan hệ quốc tế: Pháp được 02 nước là Anh, Mỹ ra sức giúp đỡ nên có hậu phương rất to lớn, ngược lại, Việt Nam tính đến thời điểm kháng chiến chống Pháp nổ ra (1946), không có bất kỳ nước nào đặt quan hệ ngoại giao và giúp đỡ, chúng ta bị bao vây, bị cô lập. Ngoài 25 triệu đồng bào có tinh thần yêu nước và sản lượng lương thực khoảng 03 triệu tấn/năm thì chúng ta không có gì để so sánh với bên đối chiến. Có thể nói, sức mạnh tinh thần của chủ nghĩa yêu nước của nhân dân là “vũ khí” duy nhất của Việt Nam có thể đọ sức ngang bằng và hơn Pháp lúc này. Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này là chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07 tháng 5 năm 1954.

      Sau thất bại ở chiến dịch Biên giới (1950), quân Pháp dần bị đẩy vào thế bị động, tướng Nava được điều sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương và nhanh chóng đề ra kế hoạch Nava với hy vọng trong 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”. Tướng Nava đã chọn Điện Biên Phủ là nơi quyết chiến chiến lược, quyết định sự thắng bại đối với cả cuộc chiến tranh với Quân đội nhân dân Việt Nam. Giới chỉ huy Pháp tin rằng: Chiến đấu ở Điện Biên Phủ, quân đội ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn về hậu cần, trong khi chuẩn bị hậu cần toàn diện, đầy đủ là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi. Điện Biên Phủ cách cánh đồng Bắc bộ khoảng 200km, với địa hình đường đồi núi hiểm trở (chủ yếu đồi núi cao và vực sâu), quân Việt Minh chỉ có thể được tiếp tế bằng cách mang vác thô sơ, lại luôn bị máy bay ném bom bắn phá nên sẽ không thể đáp ứng được lương thực cho số quân quá 02 sư đoàn trong thời gian 02 - 03 tháng. Với những khó khăn về vận chuyển do địa hình đồi núi hiểm trở, quá xa hậu phương và vận chuyển thô sơ, Việt Minh không thể mang pháo lớn (loại pháo 105 ly và pháo cao xạ 37 ly) và kéo pháo đến tận trận địa Điện Biên Phủ, Việt Minh chỉ có thể mang loại pháo nhẹ là sơn pháp 75 ly trợ chiến. Do đó, Việt Minh sẽ không đủ hỏa lực để đối đầu với ưu thế về vũ khí tối tân của Pháp.

     Trên thực tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một căn cứ vững chắc bao gồm 03 khu vực với 16.000 quân (gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 03 đơn vị pháo binh, 03 tiểu đoàn công binh, 01 đại đội xe tăng, 01 đơn vị xe vận tải với 200 xe, cùng một đơn vị không quân gồm 14 máy bay). Căn cứ Điện Biên Phủ gồm 49 boong ke, vừa mang tính độc lập như một pháo đài, vừa có thể chi viện chiến đấu cho nhau. Ở đây các đơn vị cơ giới có thể cơ động một cách nhanh chóng đến bất kì vị trí nào trong phạm vi thung lũng với chiều dài 18 km và chiều ngang từ 06 đến 08 km. Hỗ trợ cho Điện Biên Phủ là lực lượng không quân liên hiệp Pháp và không quân dân sự Mỹ.

     Quả thực đây là một thách thức lớn chưa từng có đối với quân đội ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ từng viết trong Hồi ký “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” cũng nhận định: Từ trước đến chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh và Tổng Quân ủy chỉ chọn nơi địch yếu sơ hở trong khi Điện Biên Phủ chính là nơi địch mạnh nhất. Từ trước đến nay ta thường chọn chiến trường rừng núi là nơi có điều kiện thuận lợi để tiêu diệt địch nhưng Điện Biên Phủ hoàn toàn không là rừng núi, ở đây có cánh đồng rộng nhất Tây Bắc, rất nhiều cứ điểm nằm trên cánh đồng trong khi ta chưa quen đánh ở đồng bằng.

     Tuy nhiên với ý chí kiên cường bất khuất, sự đồng lòng, đoàn kết chiến đấu, với truyền thống yêu nước và quyết tâm bảo vệ đất nước, khát vọng độc lập, tự do, cả dân tộc đã đi theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ với khẩu hiệu “Tất cả vì Điện Biên Phủ”, “Tất cả cho chiến thắng”. Ðể phục vụ chiến dịch, ta đã huy động lực lượng dân công của đồng bào  các  dân  tộc  trên  nhiều miền của Tổ quốc. Một cuộc vận động nhân dân chi viện Điện Biên Phủ đã được triển khai rầm rộ, với quy mô lớn chưa từng có. Chỉ trong một thời gian ngắn ta đã huy động được một khối lượng lớn sức người, sức của từ nhiều vùng miền, từ nhiều giai cấp, tầng lớp trong cả nước. Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công với 18.301.507 ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền.

Bộ đội ta kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

     Có thể nói, khát khao mãnh liệt về độc lập, tự do đã trở thành sức mạnh, động lực to lớn để quân và dân ta vượt qua những khó khăn, trở ngại, bất chấp sự bắn phá của thực dân Pháp, ngày đêm vận chuyển vũ khí, lương thực ra trận địa. Hàng vạn dân công và bộ đội bám trụ và mở đường lên chiến dịch, làm đường kéo pháo vào trận địa, xây dựng các trận địa quanh Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là kết quả của sức mạnh cả nước ra trận, tiêu biểu cho tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.  

     Đặt trong thời điểm hiện nay, khi cả nước đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, trước những khó khăn, thách thức của khủng hoảng kinh tế, của tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Hơn bao giờ hết, sức mạnh chính trị - tinh thần của Đảng, Nhà nước và dân ta cần phải được phát huy cao độ, tập trung để vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng một nước Việt Nam “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=chien-thang-dien-bien-phu-bieu-tuong-tinh-than-quat-cuong-cua-dan-toc-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com