Thứ năm, 29.04.2021 GMT+7

TÌM HIỂU VỀ CHUỖI GIÁ TRỊ LOGISTICS TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP Ở TỈNH PHÚ THỌ

Logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

     Việc đầu tư gắn liền chuỗi dịch vụ logistics với chuỗi giá trị nông nghiệp từ khâu nguyên liệu tới thị trường tiêu thụ, tối ưu hóa chi phí vận chuyển, vận tải, bảo quản nhiệt độ đúng quy trình tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp cho doanh nghiệp kinh doanh nông sản và ngành nông nghiệp có được lợi thế cạnh tranh lớn hơn trên thị trường khi chất lượng sản phẩm được bảo đảm và giá thành sản phẩm hợp lý. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị Logistics là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

     Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tập trung triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng chuỗi nông sản giai đoạn 2017 - 2020; từ đó góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng các chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản an toàn kiểm soát được chất lượng từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ trên thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, liên kết phân phối sản phẩm ở thị trường trong tỉnh. Đồng thời xây dựng thương hiệu, tạo lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm chuỗi an toàn; hình thành thói quen, tập quán tiêu dùng thực phẩm an toàn có địa chỉ, nhãn mác hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.

     Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: Vùng bưởi đặc sản Đoan Hùng với diện tích 1.350ha, sản lượng đạt 11,8 nghìn tấn; vùng chuyên canh rau với diện tích 890ha; vùng thâm canh chè an toàn với diện tích 3.186ha... Toàn tỉnh cũng đã xây dựng và triển khai 13 chuỗi giá trị nông sản tập trung vào các sản phẩm thiết yếu, có lợi thế như: Chuỗi cung ứng thịt gà tại thành phố Việt Trì; chuỗi cung cấp rau an toàn huyện Lâm Thao; chuỗi cung cấp gà nhiều cựa tại huyện Tân Sơn... Thông qua các chuỗi cung ứng Logistics, giá trị sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng, thị trường cơ bản ổn định; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi ngày càng hiệu quả. Đặc biệt đã từng bước hình thành thói quen tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

     Bên cạnh đó, công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nông sản được quan tâm chú trọng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có một số sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh, được thị trường biết đến như sản sản phẩm chè xanh Phú Hộ, chè xanh hòa tan Cozy; thịt chua Thanh Sơn, trứng gà DTK, mỳ gạo Hùng Lô.

     Tuy nhiên, việc thực hiện chuỗi giá trị Logistics trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn gặp một số hạn chế như: quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, hệ thống kho bãi, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu. Các hộ sản xuất chưa tổ chức liên kết thành hợp tác xã, tổ hợp do vậy sản phẩm cung cấp thị trường manh mún cả về số lượng và chất lượng. Tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp được sản xuất, phân phối tiêu thụ qua chuỗi giá trị còn thấp nên việc tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng giá trị Logistics còn gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ nhân lực logistics còn thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về đặc tính nông nghiệp của tỉnh còn hạn chế…

     Trước sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế hiện nay, đòi hỏi nông nghiệp Phú Thọ buộc phải chuyển đổi mạnh theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa, theo phương châm tăng giá trị, giảm đầu vào, hình thành các chuỗi giá trị trong một nền kinh tế nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới tỉnh cần tập trung giải quyết tốt những nội dung sau:

     Thứ nhất, việc tổ chức sản xuất phù hợp với quy mô và đặc thù của từng địa phương, cân nhắc giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn trong việc tăng trưởng bền vững. Tập trung xây dựng cơ sở chế biến nông sản, vùng xuất nông sản an toàn, ứng dụng quy trình sản xuất tốt; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp... để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm. Điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.

     Thứ hai, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có chiến lược cụ thể, kết hợp với doanh nghiệp quy hoạch sản phẩm đầu ra cho cả ngành theo từng giai đoạn, từng thời kỳ nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân đối cung cầu. Đảm bảo sự ổn định cho đầu ra của sản phẩm, cân đối được cung cầu và có chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành, thương hiệu địa phương, quốc gia theo một tầm nhìn dài hạn và bền vững.

     Thứ ba, phải liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã... để đảm bảo nền sản xuất nông nghiệp hiện đại an toàn theo chuỗi giá trị Logistics; từ đó, gia tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống của lực lượng lao động trong nông nghiệp vốn có thu nhập thấp và không ổn định.

     Thứ tư, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ và nhân lực trong lĩnh vực sản xuất chuỗi giá trị nông nghiệp.

     Thứ năm, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quản lý thị trường, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các sản phẩm đảm bảo yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm lĩnh thị trường trong, ngoài tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường đối với từng sản phẩm hàng hóa; tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và thương hiệu đã xây dựng, được bảo hộ gắn với phát triển chuỗi giá trị.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tim-hieu-ve-chui-gia-tri-logistics-trong-san-xuat-nong-nghiep-o-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com