Thứ hai, 12.04.2021 GMT+7

NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG QUAN ĐIỂM VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Trong đời sống xã hội, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với mọi quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại. Trong xu thế phát triển tri thức ngày nay, giáo dục, đào tạo được xem là chính sách, biện pháp quan trọng hàng đầu để phát triển ở Việt Nam và hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, số hóa, nhất là xu thế phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đang tác động ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có giáo dục và đào tạo. Chính vì vậy Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam xác định giáo dục, đào tạo là một lợi thế, nhân tố, chìa khóa, động lực thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “ Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” đã khẳng đinh: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhấn mạnh “Tạo chuyển biến căn bản mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân”.

    Tiếp tục thực hiện quan điểm đổi mới giáo dục và đào tạo của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCHTW khóa XI; Đại hội XII của Đảng xác định nhiệm vụ tổng quát: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Từ nhiệm vụ tổng quát Đại hội cũng xác định phương hướng, nhiệm vụ cụ thể: Giáo dục là quốc sách hàng  đầu, phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

     Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

     Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

     Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, đảm bảo dân chủ, thống nhất; tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng.

     Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo.

     Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo.

     Nâng cao chất lượng hiệu quả, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý.

     Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết của Đại hội, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tại Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển”. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế “Đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Từ những hạn chế này và yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đưa ra định hướng, nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2030 như sau:

     Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

      Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, dân tốt đẹp của người Việt nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

       Đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, đẩy mạnh tự chủ đại học, có chính sách đột phá, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

      Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo. Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh Tiểu học và THCS.

       Hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo với nghiên cứu triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo mạnh; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt.

       Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo. Hoàn thiện và ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng và đào tạo nghề. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Phấn dấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.

       Điểm mới đầu tiên thể hiện vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển của đất nước khi Đại hội XIII khẳng định: Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

      Thứ hai, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

      Thứ ba, trong giáo dục và đào tạo chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, dân tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

      Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt.

      Thứ năm, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo. Hoàn thiện và ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng và đào tạo nghề.

      Với những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, về đổi mới giáo dục và đào tạo cho thấy Đại hội XIII đã tiếp tục kế thừa và vận dụng sáng tạo những quan điểm về giáo dục và đào tạo của Đại hội XII; đồng thời đưa ra những định hướng, nhiệm vụ mới để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Đó chính là cơ sở để nâng cao chất lượng toàn diện của sự nghiệp giáo dục, đào tạo và thực hiện thắng lợi mục tiêu: Phấn dấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nhung-diem-moi-trong-quan-diem-va-dinh-huong-phat-trien-giao-duc-va-dao-tao-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com