Thứ hai, 12.04.2021 GMT+7

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN ĐẤT

Đất đai là tài nguyên quý báu, đóng vai trò quyết định trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngồn lực này, Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt tới công tác quản lý đất đai, thường xuyên tiến hành xây dựng, hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật đất đai, đề ra và tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nhằm phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong từng thời kỳ lịch sử.

     Kế thừa và phát triển một cách sáng tạo các chủ trương, chính sách quản lý tài nguyên đất của các Đại hội trước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tạo tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nhiệm vụ thứ sáu: “quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên”.

     Về nhiệm vụ này, trên cơ sở đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, rút ra bài học kinh nghiệm, văn kiện Đại hội XIII đã có sự sáng tạo, đổi mới trong nhận định, đánh giá và đề xuất các biện pháp quản lý đất đai hướng tới đạt được mục tiêu đặt ra trong thời gian tới, cụ thể như sau:

     Thứ nhất, Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định cần phải: xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất

     Đây là điểm hoàn toàn mới được khẳng định trong văn kiện mà chưa được đề cập đến trước đó, bởi văn kiện Đại hội XII của Đảng tachỉ đề cập đến: tăng cường công tác quản lý tài nguyên phục vụ phát triển bền vững theo hướng bảo đảm tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trong đó, lợi ích lâu dài là cơ bản, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn.

     Thứ hai, Nghị quyết Đại hội XIII đã đặt ra nhiệm vụ bảo vệ nguồn tài nguyên: hạn chế tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại, làm cạn kiệt tài nguyên và đối với nguồn tài nguyên đất là: đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả; kết hợp bảo vệ diện tích, độ phì nhiêu của đất canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, Nghị quyết không đề cập đến nội dung cụ thể để khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực này.

     Nhằm quản lý hiệu quả, phát huy tiềm năng của nguồn lực đất đai, Nghị quyết Đại hội XIII đã đưa ra hệ thống các biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả và tiết kiệm trong sử dụng đất, đó là:

     Phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất.

     Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

     Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng đất lãng phí, tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất.

     Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường.

     Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất.

     Những hoạt động này được tiến hành song song với quá trình bảo vệ các nguồn tài nguyên của đất nước với các hoạt động cụ thể như: Xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên; Chấn chỉnh công tác bảo vệ, thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên, nguồn gây ô niễm, nguồn phát thải nhà kính; Đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, đẩy lùi tình trạnh ô nhiễm, xâm hại môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học.

     Thứ ba, đối vớicông tác điều tra đánh giá tiềm năng của các nguồn tài nguyên được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII gồm có: đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển; trong Nghị quyết XIII, Đảng ta đã phát triển lên mức độ cao hơn: Hoàn chỉnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất, nước, rừng, biển, khoáng sản và đa dạng sinh học.

     Thứ tư, với công tác hợp tác quốc tế về quản lý tài nguyên, Nghị quyết đề ra: Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực. Đây cũng là một điểm hoàn toàn mới.

     Thứ năm, với hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Nghị quyết Đại hội XIII đưa ra nhiệm vụ: Tăng cường phổ biến pháp luật và tuyên truyền trong xã hội về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

     Gắn với nhiệm vụ này, trong Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta đổi mới và bổ sung thêm hoạt động nghiên cứu cơ bản và đào tạo nguồn nhân lực cao về tài nguyên, môi trường.

     Thực hiện thắng lợi phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025 là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nước ta, trong đó, thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm về quản lý, sử dụng, khai thác chặt chẽ, hiệu quả nguồn lực đất đai sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước trong tình hình mới, đưa Việt Nam thành một nước hùng cường, vững mạnh.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-diem-moi-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang-cong-san-viet-nam-ve-quan-ly-tai-nguyen-dat
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com