Thứ tư, 10.03.2021 GMT+7

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT THANH NIÊN NĂM 2020

Luật Thanh niên năm 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9, với 7 Chương, 41 Điều, (tăng 01 chương và 05 điều so với Luật Thanh niên năm 2005) có một số nhiều điểm mới cơ bản, đó là:

Thứ nhất, quy định cụ thể về trách nhiệm của thanh niên

          Luật Thanh niên năm 2020 dành 01 điều quy định khái quát về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên (Điều 4). Đồng thời, dành 01 Chương (Chương II) quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình, xã hội và bản thân thanh niên. Quy định này đã nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên, làm cơ sở pháp lý định hướng cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nâng cao trách nhiệm đối với dân tộc, đất nước, xã hội, gia đình và đối với chính bản thân thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Thứ hai, quy định chính sách nhà nước đối với thanh niên, nguồn lực xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên

Để bảo đảm cho thanh niên được thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình, căn cứ chủ trương, nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013; trên cơ sở rà soát các luật có liên quan, Luật Thanh niên năm 2020 đã quy định cụ thể chính sách của Nhà nước đối với thanh niên tương ứng với các quyền, nghĩa vụ đặc trưng của thanh niên. Các chính sách của Nhà nước gắn liền với quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực, đảm bảo sự phù hợp, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ với chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Đặc biệt, Luật đã quy định về chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chính sách bảo vệ thanh niên an toàn trên môi trường không gian mạng…  Đồng thời quy định Nhà nước bảo đảm nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên theo quy định của pháp luật. Nguồn tài chính bảo đảm thực hiện chính sách đối với thanh niên gồm ngân sách nhà nước; các khoản ủng hộ, viện trợ, tài trợ và đóng góp hợp pháp khác của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Thứ ba, quy định Tháng Thanh niên và đối thoại với thanh niên

          Tại Điều 9 Luật Thanh niên năm 2020 quy định tháng 3 hàng năm là tháng Thanh niên nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bồi dưỡng lực lượng thanh niên - nguồn nhân lực trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, tháng Thanh niên được tổ chức nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên.

        Luật Thanh niên năm 2020 còn quy định về đối thoại với thanh niên, cụ thể Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của tổ chức thanh niên quy định. Việc đối thoại với thanh niên đã được quy định tại Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X. Hiện nay, Lãnh đạo các bộ ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đã thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với thanh niên để giải đáp và tháo gỡ các vấn đề có liên quan đến thanh niên.

Thứ tư, quy định chính sách của Nhà nước đối với tổ chức thanh niên

           Kế thừa Luật Thanh niên năm 2005, Luật Thanh niên năm 2020 đã quy định về tổ chức thanh niên (Chương IV). Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức thanh niên tham gia xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên; Bảo đảm điều kiện để tổ chức thanh niên thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao; Hỗ trợ, tạo điều kiện để tổ chức thanh niên huy động thanh niên thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án khác. Cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Thứ năm, quy định cơ quan quản lý Nhà nước về thanh niên và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên

          Luật Thanh niên 2020 quy định Bộ Nội vụ là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên; đồng thời Luật quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và việc tổ chức triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên. (Luật Thanh niên năm 2005 không quy định cụ thể cơ quan nào giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên)

        Luật quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên. Theo đó, Luật quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phối hợp bảo vệ, chăm sóc, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, lao động an toàn, phát triển thể lực, trí tuệ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành lập các tổ chức nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục, gia đình trong việc chăm lo, bảo đảm cho thanh niên được học tập, phát triển tài năng, giáo dục rèn luyện nhân cách, đạo đức, chăm sóc rèn luyện sức khỏe, định hướng nghề nghiệp, lao động việc làm.

        Luật Thanh niên năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp;Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu và thực hiện trách nhiệm của mình đối với dân tộc, đất nước, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-diem-moi-cua-luat-thanh-nien-nam-2020
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com