Thứ năm, 25.02.2021 GMT+7

TRIẾT HỌC MÁC - LÊNIN KHÔNG THỂ LỖI THỜI BỞI NHỮNG GIÁ TRỊ BỀN VỮNG KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN

Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đa cực hóa về trật tự chính trị, đa dạng hóa về phát triển văn hóa, gia tăng sự gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Bối cảnh đó vừa tạo ra những thời cơ, vận hội vừa đặt ra trước mắt nhiều nguy cơ, thách thức, bất an cho mỗi quốc gia dân tộc, mỗi con người. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch, phản động tăng cường những chiêu thức, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của của Nhân dân ta. Một trong những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch là chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Chúng tập trung vào việc phê phán, đả kích vào chủ nghĩa Mác-Lênin hòng làm lung lay nền tảng tư tưởng của chúng ta.

     Các thế lực thù địch, trong đó có cả một bộ phận cán bộ, đảng viên cho rằng: Du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử, chỉ đưa đến tai họa vì chủ nghĩa Mác-Lênin là tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền thống của dân tộc; hơn nữa, hiện nay chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời không còn phù hợp với Việt Nam. Phản bác lại quan điểm ấy, bài viết xin trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn để khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và Triết học Mác-Lênin nói riêng, không thể lỗi thời bởi những giá trị bền vững không thể phủ nhận của nó.

     Triết học Mác ra đời từ giữa thế kỷ XIX trong lòng châu Âu do C.Mác và Ph.Ănghen sáng lập; đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lênin là người tiếp tục phát triển những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ănghen. Từ đó đến nay, Triết học Mác-Lênin được tiếp tục phát triển, trở thành một học thuyết có ảnh hưởng lớn nhất trong tiến trình lịch sử của nhân loại. Sau gần 180 năm dẫn dắt, soi đường định hướng cho các quốc gia, dân tộc trong đấu tranh giành, giữ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội mang lại những thành tựu vĩ đại, chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và Triết học Mác-Lênin nói riêng đã khẳng định những giá trị bền vững không thể phủ nhận được.

     Một là, phương pháp biện chứng duy vật. Phương pháp biện chứng duy vật của Triết học Mác-Lênin là sự kết tinh toàn bộ những thành tựu của tư tưởng duy vật trước đó, được C.Mác, Ph.Ănghen và V.I.Lênin bổ sung, làm phong phú và phát triển. Phương pháp biện chứng duy vật được xây dựng trên cơ sở các nguyên lý, các cặp phạm trù và các quy luật của phép biện chứng duy vật. Vì thế, một khi các quy luật, các nguyên lý còn phản ánh đúng bản chất của tự nhiên, xã hội và tư duy của con người thì phương pháp biện chứng duy vật vẫn còn có giá trị, còn là công cụ cho quá trình nhận thức của con người, không thể lỗi thời được.

     Chẳng hạn, nguyên lý về mối liên hệ phổ biến trong phép biện chứng duy vật macxit cho rằng, toàn bộ thế giới thống nhất ở tính vật chất, cho dù thế giới này có các sự vật, hiện tượng đa dạng, phong phú, phức tạp đến đâu đi chăng nữa thì chúng cũng chỉ là những dạng, bộ phận của thế giới vật chất duy nhất, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Từ nguyên lý về mối liên hệ phổ biến có thể rút ra quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử cụ thể khi xem xét các sự vật hiện tưởng của thế giới khách quan. Từ đó, hình thành quy luật trong tư duy nhận thức của con người. Thực tiễn là động lực thúc đẩy quá trình nhận thức về thế giới xung quanh mình. Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra sự đúng sai của nhận thức lý luận. Có thể nói, phương pháp biện chứng duy vật vẫn còn nguyên giá trị giúp con người có nhận thức đúng đắn, mở rộng vốn tri thức và trong hoạt động thực tiễn hằng ngày.

     Hai là, quan niệm về duy vật lịch sử. C.Mác là người đã tìm ra được quy luật phát triển của xã hội loài người đây là một bước tiến lớn trong lịch sử triết học. Quan niệm duy vật lịch sử cho thấy lịch sử xã hội loài người vận động trên cơ sở những động cơ vật chất, nhất là động cơ lợi ích kinh tế. Quan niệm duy vật lịch sử đã xem xét xã hội một cách toàn diện, chỉnh thể, trên nền của sự phát triển và suy tàn của các hình thái kinh tế - xã hội. Trong khi khẳng định vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội, quan niệm duy vật lịch sử cũng nhấn mạnh tính độc lập tương đối của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội. Nhìn chung, quan niệm duy vật lịch sử là cơ sở phương pháp luận giúp con người nhận thức xã hội, thực tiễn một cách đúng đắn và vẫn còn nguyên giá trị, không thể lỗi thời trước tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và nền kinh tế tri thức.

     Ba là, lý luận hình thái kinh tế - xã hội. Đây là một trong những cống hiến vĩ đại của C.Mác ở góc độ triết học. Triết học Mác đã chỉ ra rằng, sự phát triển của xã hội loài người rất phong phú, đa dạng, nhưng đó là sự phát triển có quy luật. Những yếu tố cốt lõi quy định tiến trình phát triển xã hội chính là mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, đây là những yếu tố căn bản tạo nên và quy định tính chất, trình độ của mỗi hình thái kinh tế - xã hội. Lịch sử xã hội loài người trải qua 05 hình thái kinh tế - xã hội (cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản), sự vận động phát triển và thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội xuất phát từ mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Mỗi quốc gia, dân tộc căn cứ vào đặc điểm dân tộc mình có thể tuần tự hoặc bỏ qua một hoặc một vài hình thái kinh tế - xã hội nào đó. Tuy nhiên, lý luận hình thái kinh tế - xã hội của Mác cũng chỉ ra rằng, con người không thể chủ quan, tùy tiện xóa bỏ quy luật khách quan của lịch sử, nhưng con người thông qua động cơ, lợi ích có thể tác động thúc đẩy quy luật đó diễn ra nhanh hay chậm. Có thể thấy, lý luận hình thái kinh tế - xã hội tạo ra cơ sở cho phương pháp luận khoa học trong nhận thức thực tiễn và con người có thái độ, hành vi hợp lý trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

     Như vậy, thông qua một số luận điểm trên cho thấy rằng, Triết học Mác-Lênin vẫn còn nguyên giá trị. Quan điểm sai lầm khi cho rằng nó đã lỗi thời xuất phát từ việc hiểu sai về bản chất của triết học Mác-Lênin, sự nhìn nhận đánh giá thiên lệch, không đúng; sự thiếu tỉnh táo và hời hợt trong xem xét, đánh giá; hoặc là bị ảnh hưởng của những luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch. Việc luận giải vấn đề này, giúp mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ cần kiên định, tìm hiểu rõ, nắm sâu sắc, tuyên truyền đúng bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin, tính đúng đắn khoa học, giá trị thời đại của học thuyết này cho đội ngũ cán bộ cơ sở để góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=triet-hoc-mac-lenin-khong-the-li-thoi-boi-nhung-gia-tri-ben-vung-khong-the-phu-nhan
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com