| ||
ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY, HỌC TẬP; NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH | ||
Tại hội nghị chuyên môn tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, đã có những ý kiến đề nghị tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy - học tập; tăng cường giờ thảo luận, trao đổi giữa giảng viên và học viên; định hướng nhận thức và giúp học viên kỹ năng làm việc, kỹ năng giải quyết công việc một cách hiệu quả. Từ những ý kiến đề nghị nêu trên, bài viết này đề cập và trao đổi tham khảo về “đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ hiện nay”. Phương pháp giảng dạy, học tập ở Trường Chính trị tỉnh là cách thức tổ chức hoạt động giữa người dạy (giảng viên) và người học (học viên), nhờ đó mà người học đạt được kiến thức, kỹ năng, tư tưởng, thái độ, hình thành phẩm chất, năng lực theo yêu cầu mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng trong môi trường cụ thể của Trường Đảng - Trường Chính trị tỉnh. Đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập là đổi mới cách thức tổ chức hoạt động giữa người dạy và người học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, phẩm chất và trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay.Thực chất đổi mới đó là sự cải tiến, bổ sung, hoàn thiện các phương pháp đang sử dụng, hoặc thay thế bằng phương pháp mới, hoặc kết hợp sử dụng nhiều phương pháp, nhằm khắc phục mặt hạn chế của các phương pháp đang sử dụng, nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, học tập. Đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập phải hướng đến mục tiêu “lấy người học làm trung tâm”, thực hiện có hiệu quả phương châm ‘‘học đi đôi với hành”, ‘‘lý luận gắn với thực tiễn”, khai thác tối đa năng lực, thái độ tích cực, sự chủ động và kinh nghiệm thực tiễn của học viên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản. Các đồng chí đều là những cán bộ cốt cán của Đảng. Việc học tập lý luận của các đồng chí không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông, mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt hơn” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr.95). Người cũng chỉ rõ phương pháp giảng dạy - học tập ở Trường Đảng là “Dùng lý luận đã học được để phân tích những thắng lợi và thất bại trong công tác, những mặt đúng mặt sai trong tư tưởng, phân tích một cách toàn diện và tìm nguồn gốc đúng sai về lập trường, quan điểm và phương pháp của mình. Làm như thế là tổng kết để làm cho nhận thức của chúng ta đối với các vấn đề đó được nâng cao hơn và công tác có kết quả hơn” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr.96). Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý” đã nhấn mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng “chú trọng hơn về phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý”; thực hiện tốt phương châm “lý luận gắn với thực tiễn”, “học đi đôi với hành”, giúp người học vận dụng tốt các kiến thức đã học vào thực tiễn công tác. Giảng dạy ở Trường Chính trị tỉnh hiện nay cần hết sức tránh lối dạy “lý thuyết suông, sách vở, nhồi nhét, xa rời thực tiễn”. Để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, cần chú trọng phương pháp rèn luyện - phương pháp đối thoại, tăng cường thảo luận, lấy người học làm trung tâm, nhằm hướng tới rèn luyện lề lối làm việc, kỹ năng giải quyết tình huống thực tế, nhất là những tình huống phức tạp trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, định hướng cho người học phương pháp tu dưỡng đạo đức lối sống, rèn luyện bản lĩnh chính trị, rèn luyện phương pháp, phong cách học tập suốt đời. Từ thực tế kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong những năm vừa qua, đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ theo cách tiếp cận sau đây: Thứ nhất, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thông qua hoạt động của giảng viên và học viên - thực sự“lấy người học làm trung tâm”.Giảng viên không chỉ truyền đạt tri thức, kiến thức một chiều; không chỉ giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, lý luận về công tác xây dựng Đảng, lý luận về quản lý hành chính nhà nước…; mà cần hướng dẫn phương pháp luận, nghiệp vụ công tác Đảng, xử lý các tình huống quản lý nhà nước gắn với hoạt động thực tiễn ở địa phương, cơ sở (xây dựng nông thôn mới, lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức các phong trào thi đua…); dẫn dắt để học viên tích cực trao đổi, thảo luận, tham gia hoạt động chuyên môn. Học viên cần chủ động nghiên cứu, nắm được kiến thức của chuyên đề, môn học để chuyển thành kỹ năng, hình thành phẩm chất năng lực cần thiết, đáp ứng mục tiêu của chương trình đào tạo, bồi dưỡng. “Lấy người học làm trung tâm” không có nghĩa là loại trừ phương pháp thuyết trình. Thực chất đó là sự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa thuyết trình và đối thoại với mục tiêu phát huy cao độ tính tích cực, năng động, độc lập, kinh nghiệm thực tiễn, sáng tạo của học viên. Với phương pháp này yêu cầu giảng viên không chỉ nắm vững những nội dung cần trình bày, thuyết phục, mà còn phải rất năng động, linh hoạt, nhạy bén và sáng tạo ngay trong giờ giảng, trên cơ sở đó giảng viên có thể truyền thụ những nội dung cần thiết, cơ bản, thiết thực đến học viên. Thứ hai, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập theo hướng kết hợp học tập của cá nhân học viên với học tập theo tổ, nhóm, tập thể lớp học. Trình độ, nhận thức, kỹ năng, tư tưởng, thái độ của người học trong một tập thể lớp học là không đồng đều, do đó cần tăng cường sự tự giác học tập của từng cá nhân học viên với thái độ nghiêm túc; đồng thời cần kết hợp thật tốt, có hiệu quả việc học tập của cá nhân học viên với tập thể lớp học. Chính quá trình học tập theo tổ, nhóm thông qua thảo luận, tranh luận với sự định hướng, hướng dẫn của giảng viên là cơ sở để học viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn; chia sẻ kỹ năng làm việc và thái độ ứng xử trong công việc nhằm đạt mục tiêu hiệu quả và đáp ứng yêu cầu đặt ra của chương trình đào tạo, bồi dưỡng.Trong quá trình thảo luận, thực hành tình huống, giảng viên không làm thay, mà đóng vai trò là người hướng dẫn, định hướng giúp cho học viên chủ động, tích cực tham gia hoạt động chuyên môn, học tập tập thể, tự lĩnh hội kiến thức, tự bổ sung tư duy khoa học, từ đó nắm bắt nội dung chuyên đề, bài học, phần học một cách sâu sắc và đầy đủ (hiểu được bản chất vấn đề, nắm bắt được phương pháp luận và nguyên tắc xử lý). Để học viên tự tin tham gia phát biểu thảo luận, đối thoại, thực hành tình huống; giảng viên cần phải tạo cho lớp học một không khí học tập thoải mái, thân thiện và không căng thẳng, nhưng không mất đi tính nghiêm túc của việc học tập lý luận chính trị. Thứ ba, rèn luyện phương pháp, tác phong, kỹ năng tự học cho học viên phải được xác định là một yêu cầu bắt buộc. Yêu cầu rèn luyện phương pháp, kỹ năng tự học cho học viên không chỉ là biện pháp, mà còn là mục tiêu của quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Trong cách thức tổ chức giảng dạy - học tập, giảng viên cần rèn tập cho người học những kỹ năng, thói quen và sự tự giác chủ động khám phá tri thức thông qua các vấn đề thực tiễn, bài tập tình huống, các hoạt động ngoài giờ để dần hình thành ở học viên phương pháp, tác phong chủ động nghiên cứu học tập, học tập suốt đời. Do đó, người giảng viên Trường Chính trị tỉnh phải có khả năng làm việc với cường độ cao, có tinh thần đổi mới, tiếp cận thực tế, thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức, kỹ năng mới; đồng thời phải thành thạo các kỹ năng giảng dạy, từ cách tổ chức lớp học, bố trí thời lượng, đặt câu hỏi, tổ chức và khuyến khích học viên thảo luận, dẫn dắt thảo luận, nhận xét, phản biện, kết luận và định hướng nhận thức cho học viên. Thứ tư, đổi mới hoạt động đánh giá quá trình giảng dạy - học tập, kết hợp đánh giá của giảng viên với tự đánh giá của học viên. Việc đánh giá quá trình tổ chức giảng dạy - học tập luôn có nhu cầu tự thân, bởi vì việc đánh giá đó có tác động, ảnh hưởng và trực tiếp điều chỉnh quá trình dạy và quá trình học. Với yêu cầu phát triển phẩm chất người học theo mục tiêu chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện nay, giảng viên không thể giữ độc quyền trong đánh giá, mà cần hướng dẫn người học phát triển kỹ năng tự đánh giá để tự điều chỉnh cách thức, phương pháp học tập phù hợp với mục tiêu và hình thức đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời giúp người học hình thành phương pháp tự đánh giá để có được những điều chỉnh cần thiết của bản thân trong hoạt động thực tiễn. Đánh giá kết quả, chất lượng giảng dạy - học tập thông qua khả năng của người được đào tạo, bồi dưỡng; trong đó mấu chốt là năng lực tư duy sáng tạo, sử dụng kiến thức của chính người học trong thực tiễn. Người học không chỉ có khả năng tác nghiệp nghiệp vụ tốt mà còn phải có chiều sâu của phương pháp luận, chiều rộng của tri thức thực tế, năng lực nghiên cứu khoa học, biết chiếm lĩnh tri thức, biết đánh giá tri thức và tái tạo phát triển tri thức. Giảng dạy, học tập lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh phải xuất phát mục tiêu của chương trình đào tạo, bồi dưỡng, từ thực tiễn đời sống xã hội và phải trở lại phục vụ, giải quyết các vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội. Do đó, phương pháp giảng dạy và học tập lý luận chính trị cũng phải rất thực tiễn và không ngừng được đổi mới. Trong bối cảnh hiện nay, trước những thuận lợi và thách thức đan xen của tình hình kinh tế - xã hội và hàng loạt vấn đề mới đặt ra từ đời sống sinh động của địa phương, của đất nước và hội nhập quốc tế, việc truyền thụ kiến thức một chiều từ phía giảng viên sẽ không còn phù hợp, mà cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; gợi mở, thảo luận, trao đổi, đối thoại có trách nhiệm giữa giảng viên và học viên, kết hợp với ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và các phương tiện hiện đại là phương pháp thiết thực để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay. | ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=doi-moi-phuong-phap-giang-day-hoc-tap-nang-cao-chat-luong-dao-tao-boi-duong-can-bo-o-truong-chinh-tri-tinh | ||
|